Đất nông nghiệp là gì? Có nên đầu tư hay không?

Ban nội dung
Được đăng bởi LandInfo
Nội dung

    Đất nông nghiệp hiện là hướng đầu tư được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh diện tích đất đô thị ngày càng hẹp, giá đất cao và vẫn có xu hướng tiếp tục tăng giá. 

    Đất nông nghiệp có ưu điểm là giá cả rẻ, dễ dàng đầu tư với mức vốn trung bình, tiềm năng tăng giá cao trong tương lai. Tuy nhiên, liệu đây có phải là kênh đầu tư an toàn 100%? Hãy cùng Landinfotìm hiểu mọi thông tin chi tiết về loại đất này, bao gồm: 

    1. Định nghĩa, phân loại đất; 
    2. Ưu nhược điểm, tiềm năng và rủi ro của đất nông nghiệp; 
    3. Bảng giá đất, thủ tục mua bán 
    4. Những câu hỏi thường gặp xoay quanh các vấn đề pháp lý về đất nông nghiệp. 

    Đất nông nghiệp là gì?

    Đất nông nghiệp còn được gọi là đất canh tác hoặc đất trồng trọt, là khu đất hoặc các khu vực có địa hình, điều kiện thổ nhưỡng thích hợp cho sản xuất nông nghiệp và trồng trọt, bao gồm cả nông nghiệp chăn nuôi.

    Đất nông nghiệp là đất canh tác hoặc đất trồng trọt

    Khác với đất quy hoạch, đất nông nghiệp không chỉ là một loại tài nguyên mà còn là một trong những nguồn lực chính của nông nghiệp.

    Các loại đất nông nghiệp

    Đất nông nghiệp được phân thành nhiều loại, mỗi loại đất sẽ được quy định mục đích sử dụng khác nhau và mang đến những giá trị khác biệt cho đời sống kinh tế - xã hội

    Đất nông nghiệp dùng để trồng các loại cây hàng năm 

    Đất trồng cây hàng năm là loại đất được sử dụng để trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng và thu hoạch ngắn, gói gọn trong một năm như lúa và các loại hoa màu.

    Để xác định đất này là đất trồng cây hàng năm thì cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất rồi mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

    Đất nông nghiệp phục vụ cho hoạt động chăn nuôi 

    Đất nông nghiệp dùng để chăn nuôi là loại đất nông nghiệp được sử dụng với mục đích chính là chăn nuôi gia súc, gia cầm... Trong đó bao gồm cả khu đất chuyên trồng cỏ để dùng làm thức ăn cho gia súc.

    Đất sử dụng với mục đích trồng cây lâu năm 

    Đất nông nghiệp trồng cây lâu năm là đất dùng để trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng trên một năm. Thời gian sinh trưởng của cây lâu năm từ khi trồng đến khi thu hoạch dài hơn rất nhiều so với cây trồng hàng năm.

    Ví dụ như các loại cây thân gỗ như phi lao, bạch đàn,... và bao gồm cả những loại cây có thời gian sinh trưởng như cây hàng năm nhưng có thời gian thu hoạch lâu năm như các loại cây dâu, cây ăn quả,... Đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hàng năm được phân biệt dựa trên thời gian sinh trưởng, thời điểm thu hoạch của cây, không dựa vào thời gian sử dụng đất ngắn hay dài.

    Đất rừng phục vụ cho hoạt động sản xuất lâm nghiệp 

    Đất rừng sản xuất là một trong những thành phần rất quan trọng của nhóm đất nông nghiệp. Đây là đất rừng tự nhiên, nhưng những phần đất này được Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

    Tại khu vực đất này sẽ thường xuyên thực hiện dự án, kế hoạch giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất lâm nghiệp trên đất đó theo hạn mức được nhà nước giao. 

    Đối với đất rừng sản xuất xa khu dân cư, Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, có thể gắn với hoạt động phát triển cảnh quan, khu du lịch sinh thái. Ngoài ra, đất rừng sản xuất này còn có thể được nhà nước cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê để thực hiện các hoạt động trồng rừng, xây dựng khu du lịch sinh thái.

    Đất rừng sử dụng cho mục đích phòng hộ 

    Đất rừng phòng hộ là nhóm đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, góp phần chống xói mòn, hạn chế thiên tai, cân bằng môi trường sinh thái và điều hòa khí hậu. 

    Đất rừng phòng hộ là nhóm đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất

    Đất rừng phòng hộ bao gồm nhiều loại phục vụ cho những mục đích khác nhau như rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển. 

    Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho cơ quan quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, tái sinh rừng và trồng rừng theo quy định của Luật Quy hoạch đất đai. Kế hoạch sử dụng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, có thể kết hợp sử dụng đất vào các mục đích khác theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

    Đất rừng đặc dụng dùng cho sản xuất, nghiên cứu hoặc phát triển du lịch sinh thái 

    Đất rừng đặc dụng được Nhà nước giao cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng quản lý, bảo vệ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất với các mục đích khác theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

    Tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán ngắn hạn đất rừng đặc dụng cho tổ chức, cá nhân chưa có điều kiện di chuyển ra khỏi khu vực này để bảo vệ rừng. Đất rừng đặc dụng trong phân khu phục hồi sinh thái giao cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống ổn định tại khu vực này để bảo vệ và phát triển rừng. Các cơ quan nhà nước có liên quan quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với từng mục đích chuyên dùng để sản xuất, nghiên cứu hoặc kết hợp với mục đích bảo vệ quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ quyết định cho các tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng tại khu vực liên kết với doanh nghiệp cảnh quan và du lịch sinh thái.

    Đất sử dụng cho mục đích làm muối, nuôi trồng thủy sản

    Đất nuôi trồng thủy sản thường là đất nội đồng gồm ao, hồ, sông, suối.

    Đất sản xuất muối được xác định là diện tích đất nằm trong quy hoạch sản xuất muối được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: đất sản xuất muối quy mô công nghiệp và đất sản xuất muối thủ công. Trong đó hộ gia đình, cá nhân được giao đất tại địa phương hoặc chuyển đổi đất, ngoài ra, Nhà nước còn cho tổ chức kinh tế Việt Nam định cư ở nước ngoài thuê đất để thực hiện dự án sản xuất muối. 

    Đất sản xuất muối là khu đất có tính đặc thù phù hợp với lợi thế sở hữu bờ biển dài của nước ta, chính vì vậy mà nhà nước rất khuyến khích và ưu tiên những vùng có khả năng sản xuất muối phục vụ cho đời sống và tạo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất.

    Đất nông nghiệp khác dùng xây dựng nhà kính, cơ sở canh tác

    Đất nông nghiệp khác bao gồm đất dùng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ cho mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức canh tác không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại cho gia súc được cấp có thẩm quyền cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phục vụ mục đích nghiên cứu, thử nghiệm; đất ươm cây con và hạt giống cho nông nghiệp. 

    Ưu và nhược điểm của đất nông nghiệp

    Khi so sánh với đất thổ cư, đất nông nghiệp rõ ràng có rất nhiều ưu điểm về giá cả và tiềm năng sinh lợi nhuận. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng sẽ tồn tại nhiều hạn chế, bất cập: 

    Ưu điểm của đất nông nghiệp là gì? 

    • So với đất thổ cư, đất nông nghiệp có giá thành rẻ hơn rất nhiều.
    • Nước ta là nước thuần nông nên diện tích đất nông nghiệp chiếm phần lớn. Với quỹ đất thổ cư tại các đô thị ngày càng hạn hẹp, nhiều người ngày càng có xu hướng đầu tư vào đất nông nghiệp. 
    • Hiện nay, giá đất nông nghiệp vẫn còn khá rẻ trong khi giá đất thổ cư hiện đang rất cao và có xu hướng tiếp tục tăng. Nếu đầu tư tiền mua đất nông nghiệp và xin chuyển đổi đất nông nghiệp sang thổ cư thành công, nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận chênh lệch gấp nhiều lần.

    Đâu là những nhược điểm của đất nông nghiệp mà nhà đầu tư cần cân nhắc? 

    • Không phải bất kỳ khu đất nông nghiệp nào cũng có thể xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất dễ dàng. Để có thể xin chuyển đổi mục đích sử dụng, đất phải nằm trong quy hoạch sử dụng hoặc kế hoạch sử dụng đất ở, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch thị trấn. Ngoài ra, đất phải đáp ứng được diện tích tối thiểu do UBND tỉnh quy định, vẫn còn trong thời hạn sử dụng và có giấy chứng nhận quyền sử dụng. 
    • Phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ bao gồm tiền sử dụng đất, phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, lệ phí trước bạ và phí thẩm định hồ sơ. Mặc dù chi phí chuyển đổi được quy định rõ ràng tại các điều khoản của Nghị định chính phủ nhưng không thống nhất trong mọi trường hợp nên người mua khó xác định cụ thể, dẫn đến sai sót khi tính toán, dự trù chi phí.
    • Quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất được thực hiện chặt chẽ theo quy định nên khâu thẩm tra hồ sơ, xác minh tại thực địa thường gặp nhiều khó khăn. Do thời gian chuyển đổi rất lâu nên nhà đầu tư có thể gặp khó khăn khi phải chôn vốn quá lâu.

    Có nên mua đất nông nghiệp không? Rủi ro như thế nào?

    Với những ưu điểm lớn khi so với đất thổ cư, nhiều người lựa chọn đất nông nghiệp như một kênh đầu tư tiềm năng, mang đến lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, liệu đây có phải kênh đầu tư an toàn, đảm bảo 100%.

    Tùy vào tính thế mà suy xét có nên mua đất nông nghiệp hay không

    Hãy cùng Landinfođi vào phân tích những rủi ro khi mua đất nông nghiệp, nhằm cân nhắc rõ ràng thiệt hơn trước khi quyết định xuống tiền: 

    Có nên mua đất nông nghiệp để đầu tư sinh lời? 

    Câu trả lời là CÒN TÙY.

    Mặc dù đầu tư vào đất nông nghiệp được coi là một món hời nhưng song song đó cũng đi kèm với rủi ro lớn. Là cơ hội hay rủi ro thì phải được xét theo trường hợp cụ thể, không thể áp dụng một lời khuyên chung cho tất cả mọi người:

    Trường hợp thửa đất nông nghiệp bạn đang muốn xuống tiền đầu tư thuộc diện khu đất trong quy hoạch sử dụng đất ở, quy hoạch xây dựng đô thị, có đầy đủ giấy tờ pháp lý và đang được đầu tư, phát triển về cơ sở hạ tầng, tiện ích,… thì đó chính là khu đất “vàng” mà các nhà đầu tư không nên bỏ lỡ.

    Và ngược lại, nếu đất không thuộc kế hoạch sử dụng đất ở, tính pháp lý vẫn còn chưa chắc chắn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, và có khoảng cách quá xa các dịch vụ công cộng sinh hoạt thì nhà đầu tư nên cân nhắc thật sự cẩn thận.

    Những rủi ro có thể gặp phải nếu mua đất nông nghiệp không đảm bảo pháp lý

    • Nếu nhà đầu tư mua phải khu đất không nằm trong kế hoạch quy hoạch phát triển đất ở thì nhà đầu tư sẽ không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang thổ cư.
    • Nếu đất nằm trong quy hoạch giải tỏa, nhà đầu tư rất có thể sẽ lỗ nặng. Người sử dụng đất sẽ không được bồi thường nếu đó thuộc diện đất dự trữ phục vụ mục đích phát triển cơ sở hạ tầng. Hoặc nếu được nhà nước bồi thường thì mức bồi thường cũng sẽ được tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh quy định, trong khi giá mua thực tế mà nhà đầu tư phải bỏ ra có thể cao hơn gấp mấy lần bảng giá đất.
    • Những rủi ro về mặt pháp lý do việc mua đất ký giấy tay, mua đất chưa có sổ, tranh chấp đất đai,... Đây là những rủi ro có thể khiến nhà đầu tư mất trắng cả vốn lẫn lời. 
    • Cơn sốt đất dẫn đến lạm phát giá đất nông nghiệp ở nhiều vùng. Điều này khiến nhà đầu tư khó xác định được giá trị thực của đất, dẫn đến mua với giá quá cao và khó bán ra trong thời gian ngắn, có thể sẽ phải thỏa thuận bán lỗ khi cần rút vốn.
    • Đối với những thửa đất ở khu vực chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, nước, đường xá và các tiện ích thiết yếu thì sẽ rất khó có người mua dù đã chuyển đổi thành đất thổ cư. Đối với trường hợp này, nhà đầu tư sẽ bị chôn vốn trong một thời gian dài để chờ đợi tới khi cơ sở hạ tầng xung quanh được hoàn thiện. 

    Giá đất nông nghiệp bao nhiêu?

    Giá đất nông nghiệp rẻ hơn nhiều so với đất thổ cư. Dưới đây sẽ là ví dụ cụ thể về bảng giá đất nông nghiệp được quy định tại Thành phố Hồ Chí Minh (Đơn vị tính được sử dụng trong bảng là đồng/m2):  

    Lưu ý:

    1. Đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư hoặc trong địa phận của phường sẽ có giá trị bằng 150% giá đất cùng loại, cùng địa bàn tỉnh. 
    2. Tùy theo khu vực mà đất nông nghiệp sẽ có mức giá khác nhau: 
      1. Khu vực I là đất nông nghiệp thuộc địa bàn các quận trực thuộc thành phố
      2. Khu vực II là đất có vị trí thuộc địa bàn các huyện  Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè
      3. Khu vực III là đất nằm ở địa bàn huyện đảo Cần Giờ
    3. Đất nông nghiệp tại mỗi khu vực nêu trên cũng sẽ có mức giá chênh lệch tùy theo vị trí đất: 
      1. Đất trồng cây hằng năm, cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng sản xuất sẽ được xét giá theo 3 vị trí như sau: 
        1. Vị trí 1: Đất tiếp giáp với lề đường trong phạm vi 200m. Đường phải có tên trong bảng giá đất được ban hành. 
        2. Vị trí 2: Đất không tiếp giáp với lề đường trong phạm vi 400m. 
        3. Vị trí 3: Đất nằm ở các vị trí còn lại không thuộc trường hợp 1 và 2
      2. Đất phục vụ cho hoạt động sản xuất muối được xét giá tùy theo 3 vị trí:
        1. Vị trí 1: Đất tiếp giáp với lề đường trong phạm vi 200m. Đường phải có tên trong bảng giá đất được ban hành. 
        2. Vị trí 2: Đất nằm ở vị trí cách kho muối tập trung tại khu vực sản xuất hoặc đường giao thông thủy, đường bộ trong phạm vi 400m
        3. Vị trí 3: Đất nằm ở các vị trí còn lại không thuộc trường hợp 1 và 2

    Đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư hoặc trong địa phận của phường sẽ có giá trị bằng 150% giá đất cùng loại

    Bảng giá đất nông nghiệp trồng lúa và cây hằng năm 

    Vị trí

    Khu vực I

    Khu vực II

    Khu vực III

    Vị trí 1

    250000

    200000

    160000

    Vị trí 2

    200000

    160000

    128000

    Vị trí 3

    160000

    128000

    102400

     

    Bảng giá đất nông nghiệp sử dụng với mục đích trồng cây lâu năm

    Vị trí

    Khu vực I

    Khu vực II

    Khu vực III

    Vị trí 1

    300000

    240000

    192000

    Vị trí 2

    240000

    192000

    153600

    Vị trí 3

    192000

    153600

    122900

     

    Bảng giá đất rừng phục vụ hoạt động sản xuất 

    Vị trí

    Đơn giá

    Vị trí 1

    190000

    Vị trí 2

    152000

    Vị trí 3

    121600

    (*) Đất rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ có giá trị bằng 80% giá đất rừng sản xuất

    Bảng giá đất phục vụ cho mục đích nuôi trồng thủy sản 

    Vị trí

    Khu vực I

    Khu vực II

    Khu vực III

    Vị trí 1

    250000

    200000

    160000

    Vị trí 2

    200000

    160000

    128000

    Vị trí 3

    160000

    128000

    102400

     

    Bảng giá đất phục vụ cho việc sản xuất muối 

    Vị trí

    Đơn giá

    Vị trí 1

    135000

    Vị trí 2

    108000

    Vị trí 3

    86400

     

    Thủ tục mua bán đất nông nghiệp như thế nào?

    Thủ tục mua bán đất nông nghiệp được quy định rõ ràng và cụ thể theo quy trình sau đây: 

    Bước 1: Hai bên lập hợp đồng đặt cọc mua bán đất nông nghiệp và tiến hành giao - nhận cọc

    Hợp đồng đặt cọc mua đất thường được trình bày cụ thể, rõ ràng bằng giấy trắng mực đen, có thể công chứng hoặc không công chứng tùy thuộc vào sự tín nhiệm lẫn nhau giữa các bên tham gia chuyển nhượng. 

    Hợp đồng đặt cọc phải bao gồm đầy đủ thông tin cá nhân của hai bên mua và bán, thông tin mô tả chi tiết và cụ thể về thửa đất đang tiến hành giao dịch, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thời điểm và phương thức thanh toán, số tiền cọc đã trả và số tiền còn lại cần thanh toán trong những lần thanh toán tiếp theo. 

    Các thỏa thuận khác của hai bên không được pháp luật quy định cụ thể nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam: Mức bồi thường nếu một trong các bên vi phạm hợp đồng? Thỏa thuận về bên chịu thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, phí công chứng,...  

    Bước 2: Hai bên giao kết và công chứng hợp đồng mua bán đất nông nghiệp

    Hai bên tham gia chuyển nhượng sẽ đến văn phòng công chứng nơi có đất để hợp thức hóa hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

    Hai bên phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cá nhân. Bao gồm giấy căn cước công dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, giấy chứng minh tình trạng hôn nhân. Bên chuyển nhượng (bên bán) cần chuẩn bị giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

    Bước 3: Đăng ký biến động đất đai và sang tên sổ đỏ

    Sau khi đã công chứng hợp đồng chuyển nhượng tại văn phòng công chứng, hai bên tham gia giao dịch sẽ tiến hành nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại văn phòng đăng ký đất đai. 

    Hồ sơ cần chuẩn bị các giấy tờ bao gồm: 

    • Đơn đăng ký biến động đất đai
    • Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng và có đủ chữ ký của hai bên
    • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bên bán cung cấp
    • Các loại giấy tờ tùy thân của hai bên như khi đi làm thủ tục công chứng
    • Người nhận chuyển nhượng cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước và giữ biên lai để đối soát khi được yêu cầu

    Khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiến hành xác nhận các nội dung cần thay đổi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Sau đó tiến hành chỉnh lý thông tin trong giấy chứng nhận, cập nhật biến động vào sổ địa chính. 

    Cuối cùng, văn phòng đăng ký đất đai trực tiếp bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận chuyển nhượng hoặc bàn giao thông qua văn phòng UBND cấp xã. 

    Những câu hỏi thường gặp về đất nông nghiệp

    Với mỗi loại đất khác nhau, Nhà nước sẽ có những quy định về mục đích, cách thức, thời gian sử dụng khác nhau. Hãy cùng Landinfotìm hiểu những vấn đề pháp lý xoay quanh đất nông nghiệp và lời giải đáp cụ thể: 

    Đất nông nghiệp có được xây nhà không?

    Câu trả lời là KHÔNG.

    Theo các nguyên tắc sử dụng đất được quy định bởi Luật Đất đai 2013: Một trong những nghĩa vụ mà người sử dụng đất cần nghiêm túc thực hiện là sử dụng đất đúng với mục đích quy định. 

    Như vậy, đối với đất được quy định là đất nông nghiệp thì người sử dụng không được xây nhà trên đó mà phải thực hiện thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng của đất từ nông nghiệp sang đất ở, nếu được phê duyệt thì mới có thể tiến hành xây nhà. 

    Đất nông nghiệp có lên thổ cư được không?

    Câu trả lời là còn tùy vào kế hoạch phát triển đất, có thể kiểm tra ở UBND huyện.

    Theo quy định của Luật Đất đai 2013, việc chuyển đổi mục đích sử dụng của đất cần phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm do UBND cấp huyện đưa ra và đã được Nhà nước phê duyệt

    Người dân nên chủ động đến trực tiếp UBND huyện để xin thông tin chi tiết về kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện, xem thửa đất nông nghiệp mình đang sở hữu hoặc đang định mua có nằm trong kế hoạch phát triển đất ở hay không.

    Đất nông nghiệp có thời gian sử dụng không?

    Câu trả lời là CÓ với thời hạn là 50 năm.

    Cụ thể, đất nông nghiệp được quy định là đất sử dụng có thời hạn. Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có quyền gia hạn để tiếp tục sử dụng đất. 

    Ngoài ra, pháp luật đất đai hiện hành không có quy định về việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng đất nên nếu gia đình, cá nhân không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì vẫn có thể tiếp tục sử dụng phần đất này.

    Đất nông nghiệp có tách sổ được không?

    Thửa đất nông nghiệp đủ điều kiện tách thửa phải đang còn trong thời hạn sử dụng và phải đạt đủ điều kiện về diện tích đất tách thửa được quy định như sau: 

    1. Mỗi địa phương sẽ có quy định khác nhau về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất và sẽ do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể. Nếu bạn ở tại địa phương nào thì có thể đến trực tiếp UBND tỉnh của địa phương đó để tìm hiểu về việc xác định diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa.
    2. Trường hợp thửa đất nông nghiệp được tách thửa có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu thì người yêu cầu tách thửa phải nộp đơn yêu cầu tách thửa đồng thời với đơn yêu cầu hợp thửa đất này với thửa đất khác liền kề để hình thành thửa đất mới đạt diện tích tách thửa tối thiểu.

    Đất nông nghiệp có được cấp sổ đỏ không?

    Đất nông nghiệp sẽ được cấp sổ đỏ nếu đạt đủ các điều kiện sau đây: 

    • Đất thuộc kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương về nội dung phát triển đất ở và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
    • Người sử dụng có giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở được chính quyền địa phương phê duyệt. 
    • Có các hóa đơn, giấy tờ chứng minh đã thực hiện đẩy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

    Trên đây là toàn bộ những thông tin chi tiết về đất nông nghiệp mà bạn cần biết. Qua bài viết này, Landinfođã cung cấp đến bạn khái niệm tổng quan về các loại đất nông nghiệp, ưu nhược điểm khi đầu tư vào loại hình bất động sản này, thủ tục mua bán đất nông nghiệp chuẩn pháp lý và những câu hỏi thường gặp nhất. 

    Một điều cần lưu tâm, đó là đừng quên xem tuổi mua nhà.

    Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, hãy cùng Landinfo tìm hiểu nhiều hơn các thông tin hữu ích xoay quanh chủ đề bất động sản với những bài viết tiếp theo. Đừng quên sử dụng các công cụ tiện ích hoặc đăng tin mua bán nhà chính chủ tại Landinfo.com.vnnếu có nhu cầu nhé!

     

    Chia sẽ (FB, Zalo)

    Tin tức nhiều người xem

    Tin tức liên quan

    Nội dung
      Phản hồi - Góp ý