Phòng công chứng đìu hiu, nhà đầu tư vắng bóng… chuyện gì đang xảy ra với thị trường BĐS?
Khác với không khí sôi động hồi đầu năm, các phòng công chứng tại các “điểm nóng” bất động sản hiện đang trong tình trạng nhân viên làm việc “chậm chạp”, lượng hồ sơ công chứng thấp hơn thường khi đến 60-80%.
Tại văn phòng công chứng đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, thị xã Thủ Đức, TP.HCM, chúng tôi nhận thấy rất ít người đến công chứng giấy tờ nhà đất. Đây là văn phòng công chứng lâu đời trên địa bàn thị xã Thủ Đức, thời gian trước đây luôn trong tình trạng đông đúc, thậm chí “nghẽn” hồ sơ mỗi khi sốt đất. Hiện tại, tình hình đã thay đổi khá nhiều kể từ đầu năm 2022.
Theo một nhân viên làm việc tại phòng công chứng, hơn 2 tháng nay, hồ sơ công chứng nhà đất rất ít. Lượng hồ sơ đã giảm 60-70% so với đầu năm 2022. Cũng theo người này, đầu năm lượng hồ sơ công chứng chuyển nhượng đất nền của các nhà đầu tư khá sôi động, trong khi hiện nay hồ sơ đa phần là các hồ sơ tồn động từ trước, hoặc cá nhân, hộ gia đình làm thủ tục sang tên…
Tìm hiểu được biết, đây là văn phòng công chứng có quy mô lớn ở Q.9 (cũ), nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM. Hầu hết các hoạt động công chứng mua bán đất đai tại khu vực này đều tập trung tại đây. Nhìn vào thực trạng ảm đạm hiện nay cho thấy thị trường mua bán nhà đất đang thực sự gặp khó khăn về thanh khoản và nhu cầu.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại văn phòng công chứng K.N ở huyện Long Tân, Nhơn Trạch (Đồng Nai). Khi sốt đất, mỗi ngày có hàng trăm người đến đây công chứng giấy tờ, thậm chí có khi phải xếp hàng từ sáng sớm đến chiều muộn mà vẫn chưa xong hồ sơ. Tuy nhiên, hiện tại, phòng công chứng này chỉ tiếp một số lượng vài lượt khách trong suốt cả ngày. Nhân viên làm việc “chậm rãi”, khác hẳn cảnh tất bật, thậm chí nhân viên không có thời gian ăn trưa như đầu năm 2021.
Dù thị trường chững lại nhưng đầu năm 2022, văn phòng công chứng này vẫn hoạt động khá sôi động. Việc sang tên nhà đầu tư liên tục trong tuần. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các phòng công chứng cũng trở nên ngày càng đìu hiu hơn. Theo ghi nhận, lượng hồ sơ công chứng tại văn phòng này giảm 70-80% so với đầu năm 2022.
Nhu cầu thị trường khu vực ngoại thành TP.HCM và các tỉnh lân cận sụt giảm mạnh kể từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, thanh khoản thực sự “thấm đòn” vào những tháng cuối năm 2022, khi hoạt động đầu tư, mua bán đàm phán giảm hẳn. Chính sách tín dụng đã tác động mạnh đến dòng tiền của doanh nghiệp và nhà đầu tư, khiến sức mua trên thị trường sụt giảm.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vitenam, cung cầu bất động sản ghi nhận sự sụt giảm mạnh liên tục từ giữa quý II, đến nay thị trường gần như “ngủ đông” ở một số phân khúc, trong đó đáng chú ý là phân khúc condotel. Ở các phân khúc còn lại, nhu cầu chỉ bằng 10% đến 20% so với đầu năm 2022. Xu hướng giảm sẽ không có dấu hiệu dừng lại nếu tình hình thị trường không thay đổi, tình trạng “ngủ đông” đang lan rộng.
Nhìn từ phòng công chứng đất đai mới thấy tình hình thị trường BĐS thực sự khó khăn. Nghẽn vốn là thực trạng dễ thấy nhất trên thị trường BĐS hiện nay. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết DN mua bán căn hộ nói riêng và nhà đất nói chung đều chung cảnh thiếu vốn. Nhiều chủ đầu tư, đơn vị môi giới lớn nhỏ cũng đã phải thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm, tinh gọn bộ máy tổ chức để linh hoạt ứng biến, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động trong tình hình hiện nay.
Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường được kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc nhất định vào đầu năm 2024 khi: Tình hình kinh tế vĩ mô của nền kinh tế sẽ ổn định trở lại; hoạt động thanh kiểm dự án, chủ đầu tư hoàn thành; vấn đề trái phiếu bất động sản được giải quyết; Nút thắt pháp lý về cấp phép dự án dần được tháo gỡ khi Luật Đất đai sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua và có hiệu lực.
Cùng Landinfo.com.vn tìm hiểu nhiều thông tin mới nhất về mua bán nhà đất, mua bán căn hộ và thị trường bất động sản nhé!