Thừa phát lại là gì? Điều kiện, đối tượng đào tạo và các quy định pháp lý quan trọng

Ban nội dung
Được đăng bởi LandInfo
Nội dung

    Thừa phát lại là cụm từ mà chúng ta thường được nghe nhắc tới đối với những vụ việc có liên quan đến pháp luật. Vậy Thừa phát lại là gì? Cách gọi này chỉ cá nhân hay tổ chức? Thừa phát lại có đại diện cho cơ quan Nhà nước hay không? Đây là những câu hỏi được rất nhiều người đặt ra khi lần đầu tiên biết đến và tìm hiểu về khái niệm này. 

    Với bài viết sau đây, Landinfosẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết hơn định nghĩa về Thừa phát lại và những quy định pháp lý quan trọng có liên quan: 

    1. Định nghĩa về nghề Thừa phát lại và những nhiệm vụ Thừa phát lại cần thực hiện.
    2. Điều kiện cần đạt để được tham gia đào tạo nghề Thừa phát lại và được bổ nhiệm làm Thừa phát lại. 
    3. Những trường hợp Thừa phát lại bị miễn nhiệm theo quy định của pháp luật. 
    4. Định nghĩa về Văn phòng Thừa phát lại và điều kiện để thành lập Văn phòng Thừa phát lại. 
    5. Những câu hỏi thường gặp về phạm vi giá trị pháp lý của vi bằng, những nghề Thừa phát lại không được kiêm nhiệm và hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc thi hành án của Thừa phát lại.  

    Thừa phát lại là gì?

    Thừa phát lại là thuật ngữ dùng để chỉ một nghề nghiệp mà người làm nghề này có đủ các tiêu chuẩn được Nhà nước chỉ định để lập vi bằng, tống đạt, xác minh những điều kiện cần thiết và tổ chức thi hành án dân sự theo các nghị định và quy định của pháp luật.

    Thừa phát lại là gì

    Tuy nhiên, Thừa phát lại không phải là công nhân viên chức Nhà nước, họ làm việc với khách hàng dựa trên hợp đồng dịch vụ và được hưởng mức thù lao do Nhà nước quy định: 

    1. Tống đạt là nhiệm vụ bao gồm việc thông báo, nhận và giao các giấy tờ, tài liệu, hồ sơ trong phạm vi quyền hạn và nghĩa vụ của Thừa phát lại được Nhà nước quy định. 
    2. Lập vi bằng là việc tạo lập các văn bản tường thuật, ghi nhận chính xác những sự việc đã diễn ra theo yêu cầu của đương sự (cá nhân, tổ chức có liên quan đến sự việc đó). Việc lập vi bằng phải được thực hiện dựa trên các quy định, chuẩn mực của Nhà nước. 

    Điều kiện trở thành Thừa phát lại là gì?

    Thừa phát lại là một vị trí công tác do Nhà nước bổ nhiệm. Những cá nhân hội tụ đủ các điều kiện, tiêu chuẩn dưới đây thì mới có thể được bổ nhiệm làm Thừa phát lại: 

    1. Cá nhân là công dân mang quốc tịch Việt Nam, hiện đang sinh sống, làm việc và có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam. 
    2. Cá nhân có độ tuổi từ 65 trở xuống, có phấm chất đạo đức tốt, sống và làm việc theo đúng Hiến pháp, pháp luật. 
    3. Phải có bằng cấp chứng minh trình độ thuộc cấp bậc đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật và có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp luật từ 3 năm trở lên. 
    4. Phải hoàn thành và tốt nghiệp khóa đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại hoặc được công nhận tương đương, nhận được kết quả đạt sau kiểm tra tập sự hành nghề Thừa phát lại. 

    Điều kiện để có thể đào tạo nghề Thừa phát lại là gì?

    1. Những người đạt đủ điều kiện trở thành Thừa phát lại phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại trong thời gian 6 tháng tại Học viện Tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp. Đối với những trường hợp được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại thì phải đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại trong thời gian 3 tháng, nộp hồ sơ đăng ký tại Học viện Tư pháp. 
    2. Những trường hợp được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại: Các cá nhân có thời gian hành nghề kiểm sát viên, chấp hành viên, luật sư, điều tra viên, công chứng viên, thẩm phán từ 5 năm trở lên hoặc những người đã trở thành thẩm tra viên, kiêm tra viên, nghiên cứu viên, thanh tra viên, chuyên viên hoặc giảng viên cao cấp trong các ngành kiểm sát, tòa án, thi hành án hoặc ngành luật. 
    3. Hồ sơ đăng ký tham gia khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng nghề Thừa phát lại có thể được nộp trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hệ thống cơ sở bưu chính đến văn phòng Học viện Tư pháp. Những hồ sơ đạt đủ điều kiện tham gia sẽ được thông báo ít nhất 30 ngày trước khi khai giảng khóa đào tạo, bồi dưỡng. Những hồ sơ bị từ chối sẽ được trả về kèm theo văn bản giải trình lý do. 
    4. Nội dung chi tiết cúa chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

    Điều kiện để có thể đào tạo nghề Thừa phát lại là gì

    Đối tượng nào được miễn không cần tham gia đào tạo Thừa phát lại?

    Sau đây là những đối tượng cụ thể được miễn không cần phải tham gia khóa đào tạo Thừa phát lại mà chỉ cần đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại: 

    1. Người hành nghề điều tra viên, kiểm sát viên, chấp hành viên, thẩm phán có thâm niên từ 5 năm trở lên. 
    2. Công chứng viên hoặc luật sư có thâm niên làm việc trên 5 năm. 
    3. Phó giáo sư, giáo sư hoặc tiến sĩ chuyên ngành luật. 
    4. Thẩm tra viên chính hoặc cao cấp trong ngành tòa án. 
    5. Kiểm tra viên chính hoặc cao cấp thuộc ngành kiểm sát. 
    6. Nghiên cứu viên, chuyên viên, thanh tra viên hoặc giảng viên cao cấp trong các ngành thuộc lĩnh vực pháp luật. 
    7. Thẩm tra viên chính hoặc cao cấp trong ngành thi hành án dân sự. 

    Khi nào thừa phát lại bị miễn nhiệm?

    1. Thừa phát lại sẽ bị miễn nhiệm khi không còn đạt đủ các tiêu chuẩn, điều kiện trở thành Thừa phát lại, trừ tiêu chuẩn về độ tuổi. 
    2. Những Thừa phát lại đã bị mất hoặc hạn chế về năng lực hành vi dân sự: Cụ thể là gặp phải khó khăn, chướng ngại trong nhận thức và làm chủ hành vi của chính mình. 
    3. Thừa phát lại đang bị xử lý hành chính bằng các biện pháp cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào các cơ sở giáo dục bắt buộc. 
    4. Thừa phát lại không đăng ký hoặc không hành nghề trong suốt thời hạn 1 năm kể từ khi được chính thức bổ nhiệm. 
    5. Sau thời hạn được bổ nhiệm, Thừa phát lại không hành nghề liên tục trong suốt 2 năm trở lên. 
    6. Thừa phát lại bị tạm đình chỉ hành nghề nhưng khi hết thời hạn tạm đình chỉ tối đa theo quy định mà vẫn tồn tại lý do tạm đình chỉ. 
    7. Vẫn tiếp tục vi phạm sau khi bị xử phạt hành chính đến lần thứ hai hoặc vi phạm các quy tắc đạo đức nghề nghiệp một cách nghiêm trọng. 
    8. Kiêm nhiệm các ngành nghề quản lý, định giá, đấu giá, thanh lý tài sản hoặc thẩm phán, luật sư, công chứng trong thời hạn được bổ nhiệm làm Thừa phát lại. 
    9. Thừa phát lại bị kết tội với bản án của Tòa án đã hoặc đang trong thời gian có hiệu lực pháp luật. 

    Văn phòng thừa phát lại là gì?

    Văn phòng Thừa phát lại chính là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Tại đây, những người đang công tác tại vị trí Thừa phát lại sẽ thực hiện những nghĩa vụ được pháp luật giao phó. 

    Văn phòng thừa phát lại là gì

    1. Văn phòng Thừa phát lại sẽ thuộc hình thức doanh nghiệp tư nhân nếu được thành lập dưới tên 1 Thừa phát lại duy nhất. Nếu Văn phòng Thừa phát lại có từ 2 Thừa phát lại đứng tên thành lập trở lên thì sẽ được phân loại là công ty hợp danh. 
    2. Việc đặt tên Văn phòng Thừa phát lại cũng cần phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Cụ thể, cú pháp tên phải bắt đầu bằng cụm danh từ “Văn phòng Thừa phát lại” và tên riêng do người thành lập đặt viết liền sau đó. Tên gọi được đặt cho Văn phòng Thừa phát lại phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc. Không được đặt tên gọi dễ gây nhầm lẫn hoặc trùng lặp với tên gọi của các Văn phòng Thừa phát lại khác trên phạm vi toàn quốc. 
    3. Văn phòng Thừa phát lại phải chọn ra một người đại diện theo pháp luật. Người đại diện pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại bắt buộc phải là Thừa phát lại đang trong thời gian đương nhiệm. 
    4. Văn phòng Thừa phát lại sẽ làm việc theo chế độ ký hợp đồng lao động và có thư ký nghiệp vụ. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại phải có trình độ trung cấp luật hoặc cao hơn. Nhiệm vụ của Thư ký nghiệp vụ là giúp Thừa phát lại thực hiện các nghiệp vụ pháp lý theo quy định dưới sự hướng dẫn, quản lý của Thừa phát lại. 
    5. Chế độ tài chính của văn phòng Thừa phát lại là chế độ tự chủ tài chính được pháp luật quy định theo loại hình doanh nghiệp tương ứng. 
    6. Mỗi Văn phòng Thừa phát lại đều sẽ có trụ sở làm việc riêng biệt. Sau khi được cấp giấy đăng ký hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại được khắc, sở hữu và sử dụng con dấu riêng biệt. Mẫu con dấu sử dụng không có hình quốc huy và Văn phòng Thừa phát lại phải thực hiện thủ tục, hồ sơ đăng ký mẫu con dấu với cơ quan có thẩm quyền trước khi sử dụng. 
    7. Ngoài trụ sở chính thức, Văn phòng Thừa phát lại không được mở thêm địa điểm giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc cơ sở khác. 
    8. Tại Văn phòng Thừa phát lại chỉ được thực hiện những nghiệp vụ thuộc phạm vi nghề Thừa phát lại, không được thực hiện các hoạt động kinh doanh, sản xuất và dịch vụ trong lĩnh vực khác. 

    Điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại như thế nào?

    1. Để thành lập Văn phòng Thừa phát lại, cần phải đáp ứng được những điều kiện về kinh tế, xã hội cũng như thực trạng nhu cầu tại địa phương. Dưới đây là những tiêu chí cần phải căn cứ để xem xét thành lập Văn phòng Thừa phát lại:
    2. Địa bàn cấp huyện nơi dự kiến đặt trụ sở Văn phòng Thừa phát lại có điều kiện kinh tế - xã hội phù hợp hay không? 
    3. Số lượng vụ việc thụ lý trên thực tế của Tòa án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự xét trên địa bàn huyện nơi dự định thành lập Văn phòng Thừa phát lại. 
    4. Nhu cầu thực tế của người dân địa phương cũng như mật độ dân cư xét trên địa bàn cấp huyện nơi dự định thành lập Văn phòng Thừa phát lại. 
    5. Tại 1 đơn vị hành chính cấp huyện như quận, thành phố trực thuộc thị xã hoặc tỉnh không được có quá 2 Văn phòng Thừa phát lại. Tại mỗi đơn vị hành chính huyện chỉ được thành lập duy nhất 1 Văn phòng Thừa phát lại. 
    6. Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại sẽ do Sở Tư pháp phối hợp cùng các sở, ban, ngành có liên quan để xây dựng và trình lên UBND cấp tỉnh phê duyệt thực hiện. 
    7. Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại đã được phê duyệt thực hiện sẽ được văn phòng UBND cấp tỉnh ra thông báo cụ thể. Trên cơ sở đó, Thừa phát lại có mong muốn thành lập Văn phòng Thừa phát lại sẽ nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đường bưu chính. Bộ hồ sơ hợp lệ sẽ bao gồm những giấy tờ sau đây: 
      1. Mẫu đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo quy định do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.
      2. Bản thuyết minh về tổ chức Thừa phát lại được dự kiến thành lập: Thuyết minh về tên gọi, giới thiệu nhân sự, trình bày về địa điểm xây dựng và đặt trụ sở văn phòng, các điều kiện vật chất đảm bảo cho việc triển khai thực hiện các kế hoạch, mục tiêu thuộc nghĩa vụ. 
      3. Bản sao Quyết định bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại Thừa phát lại đã được chứng thực hoặc nộp bản chụp và có mang theo bản chính để đối chiếu khi cần thiết. 
      4. Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải nộp phí thẩm định hồ sơ, xem xét điều kiện thành lập và hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại đã đúng với quy định hay chưa. Mức phí cần nộp sẽ căn cứ trên quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí. 
    8. Hồ sơ sẽ được Sở Tư pháp kiểm tra, xác nhận đầy đủ, hợp lệ rồi trình lên UBND cấp tỉnh xem xét và đưa ra quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Quy trình này sẽ kéo dài trong khoảng 20 ngày làm việc kể từ khi người yêu cầu thành lập nộp và bổ sung đầy đủ hồ sơ. Trường hợp yêu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại bị từ chối thì hồ sơ sẽ được trả về cho người nộp kèm theo văn bản nêu rõ lý do. 

    Điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại như thế nào

    Những câu hỏi thường gặp về Thừa phát lại

    Một số câu hỏi thường gặp nhất xoay quanh nghề Thừa phát lại là về phạm vi giá trị pháp lý của vi bằng có thể thay thế cho hợp đồng công chứng, chứng thực hay không? Những nghề nào Thừa phát lại không được kiêm nhiệm? Và hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc thi hành án của Thừa phát lại là gì?

    Những câu hỏi thường gặp về Thừa phát lại

    Ngay dưới đây, Landinfosẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời chi tiết cho từng vấn đề được nhắc đến: 

    Thừa phát lại có được lập vi bằng ở toàn quốc không?

    Thừa phát lại được quyền lập vi bằng ở toàn quốc. Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, quy định về thẩm quyền lập vi bằng, phạm vi lập vi bằnggiá trị pháp lý của vi bằng như sau: 

    1. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng trên phạm vi toàn quốc trừ các trường hợp không được lập vi bằng được quy định rõ tại điều số 37 của Nghị định này. 
    2. Vi bằng phải đảm bảo ghi nhận chính xác, khách quan những sự kiện và hành vi có thật. Việc lập vi bằng dựa trên yêu cầu của các đương sự có liên quan đến các sự kiện, hành vi này. Đương sự ở đây có thể là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức. 
    3. Vi bằng có giá trị như nguồn chứng cứ được Tòa án xem xét và sử dụng khi xử lý, giải quyết các tranh chấp dân sự hoặc các vi phạm hành chính, là căn cứ cho việc thực hiện giao dịch giữa các cá nhân, cơ quan và tổ chức theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vi bằng không có giá trị tương đương và cũng không thể thay thế cho văn bản chứng thực, văn bản công chứng hoặc bất kỳ một văn bản hành chính nào khác. 
    4. Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân có quyền triệu tập Thừa phát lại và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình xem xét, đánh giá giá trị chứng cứ của vi bằng để làm rõ tính xác thực, minh bạch. Thừa phát lại, đương sự và các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cần phối hợp có mặt khi nhận được thông tin triệu tập từ Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân. 

    Thừa phát lại có được làm công việc của luật sư hay công chứng viên hay không?

    Nghị định 08/2020/NĐ-CP có quy định như sau những nghề nghiệp mà Thừa phát lại không được kiêm nhiệm trong thời gian hành nghề như sau: 

    1. Quản lý, thanh lý tài sản
    2. Thẩm định giá
    3. Đấu giá tài sản
    4. Công chứng viên
    5. Luật sư 

    Hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc thi hành án của Thừa phát lại là gì?

    Pháp luật quy định cụ thể về hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc thi hành án của cơ quan Thừa phát lại như sau: 

    1. Người yêu cầu thi hành án và Văn phòng Thừa phát lại cần phải thanh lý hợp đồng dịch vụ về việc thi hành án. Trong quá trình này, nếu có bất kỳ vấn đề tranh chấp đất đai hoặc vấn đề khác phát sinh thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết đúng theo quy định của pháp luật:
      1. Trường hợp còn tiền, tài sản tồn đọng sau khi thanh lý hợp đồng dịch vụ mà không có người nhận thì sẽ được Văn phòng Thừa phát lại xử lý theo quy định về tài sản vắng chủ dựa trên pháp luật dân sự và Luật Thi hành án dân sự. 
      2. Đương sự có quyền yêu cầu tiếp tục thi hành án đối với những vụ việc vẫn chưa được giải quyết xong 
    2. Trước khi chấm dứt việc thi hành án bằng cách thanh lý hợp đồng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại cần thực hiện các công việc: 
      1. Ra quyết định hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi quyết định về thi hành án chưa được thực hiện xong; 
      2. Chuyển toàn bộ hồ sơ thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền theo quy định của Luật thi hành án dân sự; 
      3. Thông báo bằng văn bản cho đương sự biết đã chuyển hồ sơ và người yêu cầu thi hành án có quyền tiếp tục yêu cầu tổ chức thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về dân sự.
    3. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp liên quan có trách nhiệm như sau:
      1. Tiếp nhận hồ sơ thi hành án được bàn giao lại từ Văn phòng Thừa phát lại
      2. Tiếp nhận đơn yêu cầu tiếp tục thi hành án của đương sự, xem xét và đưa ra quyết định thi hành án, phân công chấp hành viên chịu trách nhiệm tổ chức thi hành án theo đúng quy định của pháp luật. 
      3. Xem xét kết quả thi hành án trước đó được thực hiện bởi cơ quan Thừa phát lại, nếu xét thấy quy trình thi hành án trước đó của cơ quan Thừa phát lại không vi phạm các quy định của pháp luật thì cơ quan thi hành án dân sự được quyền công nhận và sử dụng kết quả này để đưa ra kết quả cuối cùng hoặc tiếp tục thi hành án. 

    Trên đây là toàn bộ những thông tin, nội dung xoay quanh nghề Thừa phát lại và những quy định, điều kiện pháp lý quan trọng mà bạn cần phải biết khi yêu cầu lập vi bằng hoặc sử dụng các dịch vụ khác tại Văn phòng Thừa phát lại. 

    Bên cạnh đó, Landinfocũng xin nhắc nhở bạn cần thật sự cẩn trọng trước những giao dịch mua bán nhà đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hay các tài sản gắn liền với đất thông qua hình thức lập vi bằng. Bởi nếu căn cứ vào các nội dung được chúng tôi tổng hợp bên trên, vi bằng không có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng và không thể lấy làm cơ sở chứng thực cho việc thực hiện giao dịch. 

    Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm về "Nhà vi bằng là gì?"

    Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, ghé thăm trang tin bất động sản chính chủ Landinfo.com.vn của chúng tôi thường xuyên để tìm hiểu những cách thức đầu tư, giao dịch bất động sản an toàn, sử dụng các tiện ích giá trị cũng như tìm kiếm cho mình những cơ hội đầu tư tiềm năng, uy tín, đảm bảo an toàn. 

    Chia sẽ (FB, Zalo)

    Tin tức nhiều người xem

    Tin tức liên quan

    Nội dung
      Phản hồi - Góp ý