Làm công nhân lao động tại một xưởng gia công túi xách tại quận 12, TP.HCM 6 năm nay, với mức thu nhập mỗi tháng hơn 25 triệu đồng, vợ chồng anh Trung, chị Lụa cố gắng cần kiệm tích góp với mong muốn ngày nào đó đủ tiền mua một căn hộ nhỏ để đón 2 đứa con ở dưới quê lên sống cùng mình. Vì có động lực rõ ràng nên hai vợ chồng tích cực tăng ca, kiếm thêm mới có mức thu nhập như hiện tại. Tuy lương của vợ chồng anh là rất khá so với nhiều đồng nghiệp nhưng đến nay vẫn không thể hoàn thành giấc mộng an cư tại TP.HCM. Làm lụng 6 năm trời, nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền nhưng mỗi năm vật giá lại leo thang, sống ở Sài Gòn quá tốn kém. Mỗi tháng phải gửi 6 triệu đồng về lo ăn lo học cho hai đứa nhỏ, tiền nhà trọ, điện nước cũng mất 3,5 triệu đồng, tiền sinh hoạt của hai vợ chồng cũng mất gần 6 triệu đồng, chưa tính nhiều chi phí phát sinh mỗi tháng 1-2 triệu đồng. Số tiền thực sự có thể để dành mua nhà chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.
“Hai vợ chồng tôi cũng dành dụm được khoảng 450 triệu đồng, mục đích là tìm căn hộ nào có giá tầm 900 triệu đến 1 tỷ đồng để mua. Nhưng thực tế ở quanh khu vực quận 12 nơi tôi sinh sống, mấy căn nhà ở xã hội giờ họ sang nhượng lại giá rẻ rẻ cũng 1,2-1,3 tỷ đồng. Chờ mua dự án nhà ở xã hội mới thì không có, còn chung cư bình thường cũng tầm 2 tỷ đồng trở lên, tiền đâu mà mua. Do không có họ hàng khá giả để nhờ cậy nên tôi chỉ có thể đi vay ngân hàng nhưng thu nhập trên HĐLĐ của tôi và cả vợ đều không cao, muốn vay nhiều cũng không được mà nếu có được cũng không dám liều vì tiền đâu trả lãi”, anh Trung than thở.
Cùng hoàn cảnh, anh Hoàng Tùng cảm thấy vừa lo lắng vừa hối hận vì trước đây không dám liều mình khi có cơ hội. Anh cho biết hồi 2019 mình từng được giới thiệu căn hộ giá rẻ tại Bình Chánh. Căn này gần 60m2, do chủ nhà cần tiền gấp nên bán lại giá khoảng 1,2 tỷ đồng, lúc đó anh chỉ có khoảng 500 triệu đồng tiền tiết kiệm, lại sợ vay ngân hàng rồi không trả nổi nên đắn đo không quyết.
“Lúc đó tôi vẫn chưa tiếc gì vì nghĩ không mua đây thì tìm chỗ khác. Vậy mà bây giờ giá nhà quanh khu đó tăng lên kinh hồn, gần như chẳng còn căn hộ nào có giá dưới 35 triệu đồng/m2, tôi mới tiếc đứt ruột căn chung cư giá chưa đến 22 triệu đồng/m2 hai năm trước mình đã bỏ lỡ”, anh Tùng chia sẻ. Vị khách hàng này cũng không giấu lo lắng việc giá nhà có thể sẽ tiếp tục tăng trong khi thu nhập của anh không cải thiện là bao. Anh đang tính đánh liều đi vay mượn để mua nhà rồi trả dần chứ cứ chần chờ, sẽ có ngày không mua nổi nhà ở TP.HCM nữa.
Phân khúc cao cấp kéo mặt bằng giá nhà leo thang
Thị trường TP.HCM trong các tháng đầu năm 2021 chứng kiến sự trỗi dậy nguồn cung căn hộ sau một thời gian dài bất động. Tuy nhiên gần 60% nguồn hàng là thuộc về loại hình cao cấp, hạng sang với mức giá bán vượt quá tầm tay nhiều người lao động. Cụ thể, đầu tháng 4/2021, một dự án siêu sang tại TP.HCM là Grand Marina công bố giá giao dịch lên đến 376-423 triệu đồng/m2. Con số này tăng mạnh so với mức giá bán các dự án siêu sang cũng ở khu vực này thời điểm 2019 (tầm 235 - 282 triệu đồng/m2). Vậy là chưa đầy 2 năm sau, đỉnh giá mới đã tăng gần 100%, thiết lập kỷ lục mới cho giá chung cư tại TP.HCM.
Sự xuất hiện các dự án hạng sang với định hình giá bán ngày càng cao kéo giá mặt bằng BĐS nói chung và căn hộ nói riêng tại TP.HCM lên một tầm mới. Nhiều dự án nhà ở trước đây giá thuộc phân khúc bình dân thì nay tăng lên, thuộc hàng trung cấp, vượt quá khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp tại các đô thị lớn. Báo cáo của Bộ Xây dựng ghi nhận, năm 2020 giá chung cư tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn có xu hướng tăng ở cả 3 phân khúc bình dân, trung cấp và cao cấp dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trung bình, giá căn hộ chung cư tại TP.HCM tăng khoảng 3-4% so với quý 4/2019. Riêng quý 1/2021, giá chung cư tại TP.HCM có xu hướng tăng thêm 4-5% so với cùng kỳ.
Trong đó, phân khúc căn hộ bình dân giá dưới 25 triệu đồng/m2 có rất ít dự án, chỉ có tại khu vực xa trung tâm, vùng ven, hạ tầng kém phát triển. Trong năm 2020, tại TP.HCM không có dự án nào bán dưới 25 triệu đồng/m2; phân khúc căn hộ chung cư trung cấp ở thiết lập mặt bằng giá mới, dao động từ 35-45 triệu đồng/m2. Riêng sản phẩm căn hộ chung cư cao cấp, có giá trên 50 triệu đồng/m2 tuy có nhiều dự án đầu tư xây dựng chất lượng cao nhưng lượng tiêu thụ không nhiều.
Lý giải cho xu hướng tăng giá chóng mặt của nhà đất TP.HCM, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, hiện nay nguồn cung BĐS đang phát triển theo hướng đầu tư, cho giới đầu tư nhiều hơn đáp ứng nhu cầu ở. Việc đẩy giá để đầu tư kéo dài sẽ gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho thị trường. Nếu quỹ nhà ở được đưa ra thị trường không đến trực tiếp tay người có nhu cầu mà chủ yếu qua các lực lượng gom hàng đầu cơ sẽ làm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế xuống thấp dù chưa đến mức tạo thành “bong bóng”.
“Nhu cầu nhà ở tại TP.HCM luôn cao, đặc biệt từ cuối năm 2020 do nguồn cung hạn hẹp, nhiều chủ đầu tư lợi dụng khan hàng mà tăng giá. Thay vì mức lợi nhuận trên doanh thu khoảng 15%, nhiều doanh nghiệp đẩy biên độ lợi nhuận lên tới 30-40%. Việc tăng giá đột ngột đang đe dọa đà tăng trưởng của những năm tiếp theo”, ông Quang nhấn mạnh.
Phương Uyên