Những nỗi niềm khi sống ở chung cư

Ban nội dung
Được đăng bởi LandInfo
Nội dung

    Ngày 6.9, dư luận xôn xao khi mạng xã hội xuất hiện hình ảnh hàng loạt vật dụng cá nhân trong gia đình anh N.T.T.T đã "bay" từ 1 căn hộ trên tầng 25 thuộc toà B chung cư Lideco (tphường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) xuống khu vực vỉa hè phía trước toà nhà.

    Thời điểm xảy ra vụ việc không có người dân qua lại nên không ai bị sao, chỉ hư hỏng biển hiệu của một ngân hàng phía dưới tòa nhà.

    Sự việc ngay lập tức gây bão mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận trái chiều. Trong đó, nhiều người bày tỏ quan ngại về việc mua và ở căn hộ chung cư.

    Đang sinh sống trong một căn hộ chung cư cũ ở quận Tân Bình, anh Kiệt (26 tuổi) kể về những trải nghiệm khi sống ở chung cư.

    "Gia đình tôi mua lại căn chung cư này, xây từ 2006. Thời hạn sử dụng còn khoảng 35 năm. Căn hộ tuy cũ nhưng cũng gọi là có chỗ chui ra chui vào. Chung cư xây theo kiểu hồi xưa. Tôi ở tầng cao nhất, tầng 5 nên không có thang máy. Mình trẻ, chịu khó đi lên đi xuống không sao, nhưng người già thì bất tiện. Ngoài ra, sinh hoạt bình thường không có gì để nói, nhưng vì chung cư sử dụng cầu thang và hành lang chung, trong khi nhiều người lại không có ý thức cộng đồng, rác thải vứt lung tung, phơi đồ, tưới cây làm chảy nước xuống hàng xóm. Chưa kể, mỗi lần ai sửa nhà là bụi bay mù mịt. Còn ngày nghỉ vấn nạn karaoke bủa vây, đủ thứ hết. Thời gian đầu tôi mới về ở sướng thật nhưng lâu dần thấy khó chịu. Giờ muốn bán nhà chuyển đi cũng khó vì giá căn này thực sự có bao nhiêu đâu, chưa kể, hạn sử dụng còn có 35 năm, người ta cũng không mua" – anh Kiệt cho biết.

    Hành lang các chung cư cũ thường bị chiếm dụng

     

    Theo anh Kiệt, cuộc sống chung cư có nhiều bất tiện và nếu anh có nhiều tiền hơn sẽ không mua chung cư để ở.

    Trong khi đó, anh Lê Hiếu, người sinh sống trong một căn hộ chung cư cao cấp ở Gò Vấp chia sẻ, ở chung cư là một trải nghiệm đáng nhớ với anh, dù cũng không ít những bất tiện.

    "Tôi mua căn chung cư này hồi đó gần 3 tỷ. Dự án cao cấp mà. Ở cũng ổn, người ta làm cửa tường cách âm nên ít bị vấn nạn karaoke hay tạp âm. Còn ban quản lý làm việc túc trực ngày đêm nữa nên cũng khá yên tâm. Dù vậy, tôi bức xúc việc dọn vào ở đã lâu mà chưa có sổ, chủ đầu tư hứa hẹn mãi. CÒn việc sửa chữa, mang đồ đạc ra vào chung cư khá bất tiện vì cái gì cũng phải xin phép. Chi phí thì nhiều vô kể, đủ thứ loại phí trên đời. Cái đó bất tiện nhất. Với kiểu đi đâu cũng có người để ý, có camera theo dõi thì cảm giác hơi mất tự do xíu thôi." – anh Hiếu chia sẻ.

    Tuy vậy, anh Hiếu cũng thừa nhận, không phải ai cũng hài lòng cuộc sống ở chung cư, vì mỗi người mỗi ý. Vấn đề lớn nhất của các khu chung cư cao cấp là lối sống tập thể, trong khi ban quản lý thì thuê ngoài nên cũng đủ thứ chuyện.

    "Nếu có tiền hoặc có điều kiện tốt hơn tôi cũng không mua chung cư." – anh Hiếu nhận định.

    Trước đó hồi tháng 5, dư luận từng xôn xao vụ việc trưởng ban quản lý một chung cư cao cấp trên địa bàn huyện Nhà Bè dẫn người lạ vào đe dọa cư dân. Vụ việc sau đó được giải quyết ổn thỏa song cũng để lại một bài học lớn cho rất nhiều người đang có dự định mua, đầu tư chung cư.

    Theo giới chuyên môn, nếu có ý định mua, đầu tư một dự án chung cư, người đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng về giá cả. Vì thực tế, chung cư thường dễ bị trượt giá theo thời gian so với nhà phố. Trong khi đó, tên tuổi và uy tín chủ đầu tư cũng là điều cần lưu ý.

    "Thực chất thì bỏ tiền ra mua chung cư tưởng được hưởng lợi về tiện ích nhưng nếu tính toán không kỹ thì như không. Chưa kể, mua chung cư bạn cũng chẳng thể chọn lựa hàng xóm xung quanh, vô cùng bất tiện. Còn nhiều vấn đề nữa như ban quản lý, ra sổ lâu hay mau... Nói chung vì giờ quỹ nhà, quỹ đất khan hiếm nên nhiều người sẽ lựa chọn chung cư. Nhưng chỉ sau vài năm thì chung cư xuống cấp ngay, việc sửa chữa mua bán sang tay cũng không dễ dàng. Nên cân nhắc" – một chuyên gia nhận định.

    Liên Thượng

    Chia sẽ (FB, Zalo)

    Tin tức nhiều người xem

    Tin tức liên quan

    Nội dung
      Phản hồi - Góp ý