Có thể mất trắng nếu mua nhà xã hội qua hợp đồng ủy quyền, vi bằng
Tại một số dự án nhà ở xã hội chưa đủ điều kiện được chuyển nhượng, nhưng vẫn có nhiều người muốn mua lại bằng hợp đồng ủy quyền hay vi bằng. Người mua sẽ gặp những rủi ro gì?
Chị Phương Lan (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, điều kiện kinh tế gia đình chị cũng không dư giả nên muốn mua lại nhà ở xã hội ở một dự án tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Dự án này mới bàn giao nhà cho người dân về ở. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thông tin, chị được biết phải sau 5 năm nữa chủ sở hữu mới được quyền chuyển nhượng.
Biết nhu cầu của chị Lan, nhiều người đã khuyên chị có thể mua nhà ở xã hội thông qua hợp đồng ủy quyền hoặc vi bằng thay vì phải chờ 5 năm nữa, khi chủ sở hữu nhà ở xã hội được quyền chuyển nhượng chị mới mua được.
Rất muốn mua nhưng chị Lan lo lắng việc mua bán nhà ở xã hội thông qua hợp đồng ủy quyền hoặc vi bằng liệu có rủi ro?
Còn Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội hướng dẫn Luật Nhà ở năm 2014 quy định:Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với PV Infonet, Luật gia Trần Thu Hoài – Công ty Luật TNHH Everest cho biết: Đối tượng và điều kiện mua nhà ở xã hội được quy định tại Điều 49 và Điều 51 Luật Nhà ở 2014.
Khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội như sau: “Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân”.
Quy định này được cụ thể tại Khoản 4 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội hướng dẫn Luật Nhà ở năm 2014: "Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai".
Do đó, nếu bên bán nhà của chị Lan chưa sử dụng đủ 5 năm hoặc chưa đủ thời gian 5 năm sau khi thanh toán đủ tiền mua nhà theo quy định thì chưa được phép chuyển nhượng căn hộ này cho gia đình chị.
Trong trường hợp chị Lan muốn mua căn hộ này theo cách ký kết hợp đồng ủy quyền, căn cứ theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận của bên ủy quyền cho phép bên được ủy quyền thay mặt mình thực hiện một công việc nhất định nhân danh bên ủy quyền trong thời hạn mà hai bên thỏa thuận.
Cụ thể, theo Điều 562: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định".
Tuy nhiên, hình thức ủy quyền cũng có những rủi ro cho bên được ủy quyền như: Do hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có thời hạn và bên được ủy quyền chỉ được thực hiện trong một phạm vi nhất định do bên ủy quyền cho phép thực hiện. Do đó, nếu chị ký hợp đồng ủy quyền với chủ căn hộ thì gia đình chị sẽ bị hạn chế một số quyền lợi.
Mặt khác, hợp đồng ủy quyền cũng sẽ bị coi là đương nhiên hết hiệu lực khi bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết; đồng thời bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền và chỉ cần thông báo trước cho bạn một thời gian nhất định và chi trả thù lao cho bên bạn nếu là hợp đồng ủy quyền có thù lao (theo quy định tại Điều 569 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Hoặc nếu lựa chọn mua theo cách ký vi bằng về việc mua bán nhà khi bên bán chưa đủ điều kiện để bán nhà. Hợp đồng được ký vi bằng tại văn phòng thừa phát lại ghi nhận một sự kiện pháp lý là hai bên có thỏa thuận với nhau về việc mua bán. Đây là dạng hợp đồng mua bán trong tương lai. Tuy nhiên, người mua gặp nhiều rủi ro xuất phát từ việc vi bằng không là giao dịch bảo đảm, người mua đã giao tiền, nếu tranh chấp xảy ra người mua có thể mất trắng.
Từ tư vấn trên của Công ty Luật, hy vọng chị Lan và những người đang có ý định mua lại căn hộ ở những dự án nhà ở xã hội sẽ có thêm cơ sở để đưa ra quyết định cuối cùng của mình, hạn chế rủi ro.
Theo Minh Thư
Infonet