Đất LUC là gì? Làm sao để chuyển đổi đất LUC thành đất thổ cư?
Ký hiệu đất LUC là gì và vì sao ta lại thường bắt gặp ký hiệu này cũng như một số ký hiệu đất tương tự trong các bản đồ địa chính? Đất LUC có được phép xây nhà hay không, nếu không thì làm thế nào để được cấp quyền xây nhà trên đất?
Với bài viết sau đây, hãy cùng LandInfo tìm hiểu mọi thông tin chi tiết cũng như các quy định quan trọng của pháp luật liên quan đến đất LUC:
- Đất LUC là đất gì?
- Mục đích sử dụng của đất LUC là gì?
- Các quy định pháp lý về sử dụng đất LUC
- Loại đất LUC có thể lên thổ cư không?
- Làm sao chuyển đổi mục đích sử dụng đất LUC?
- Câu hỏi thường gặp về đất LUC
Đất LUC là đất gì?
Luật Đất đai năm 2013 quy định, đất LUC là loại đất chuyên dụng phục vụ cho mục đích trồng cây lúa nước.
Trên thực tế, Luật Đất đai Việt Nam phân chia diện tích đất đai trên toàn lãnh thổ nước ta ra thành nhiều loại, mỗi loại sẽ có tên gọi và ký hiệu riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn cho công tác quản lý. Do đó, khi đọc các loại bản đồ địa chính, người ta dễ dàng bắt gặp các ký hiệu đất đai như LUC, LUN, LMU,...
Mục đích sử dụng của đất LUC là gì?
Loại đất LUC là gì? Luật Đất đai quy định LUC là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Đất LUC được sử dụng với mục đích trồng cây lúa nước - loại cây lương thực phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân và cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành chăn nuôi, sản xuất.
Các quy định pháp lý về sử dụng đất LUC
Nhằm đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng đất LUC, Nhà nước đã ban hành các quy định pháp lý như sau mà người sử dụng đất cần tuân thủ thực hiện:
- Người sử dụng đất LUC cần cam kết sử dụng đất theo đúng mục đích được quy định, đảm bảo tuân thủ các quy định cũng như quy hoạch về đất đai do cơ quan Nhà nước có thầm quyền ban hành.
- Cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất LUC cần đảm bảo sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả.
- Trong quá trình sử dụng đất LUC, người sử dụng đất cần áp dụng các kế hoạch tăng canh, luân canh, các kỹ thuật canh tác tiến bộ nhằm tăng năng suất cho đất.
- Việc cải tạo đất, tăng dinh dưỡng định kỳ cần tuân thủ theo quy định, hướng dẫn của Nhà nước, không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như môi trường xung quanh.
- Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất LUC cần có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Loại đất LUC có thể lên thổ cư không?
Đất LUC có thể được cấp phép chuyển đổi lên đất thổ cư. Luật Đất đai 2013, Điều 57 có nêu quy định về một số loại đất có thể làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng, đất LUC là một trong số đó.
Tuy nhiên, tại Điều 134 của luật này cũng đề cập đến việc Nhà nước đang thực hiện một số chính sách nhằm bảo vệ nguồn đất chuyên dụng cho việc trồng lúa nước, chính là đất LUC. Do vậy, việc chuyển đổi đất LUC tại một số địa phương có thể sẽ bị đưa vào diện hạn chế.
Làm sao chuyển đổi mục đích sử dụng đất LUC?
Hồ sơ cần chuẩn bị để chuyển đổi mục đích sử dụng đất LUC
Để chuyển đổi mục đích sử dụng đất LUC, người sử dụng đất cần chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- Mẫu đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất
- Mẫu đơn đăng ký biến động đất đai và các tài sản khác gắn liền
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất LUC
Quy trình 4 bước chuyển đổi mục đích sử dụng đất LUC
Sau khi đã chuẩn bị bộ hồ sơ với đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết. Người sử dụng đất cần thực hiện tuần tự các bước theo quy trình dưới đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường. Tại đây, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành thẩm tra tính hợp lệ và thông báo, hướng dẫn người nộp đơn bổ sung nếu cần thiết.
Bước 2: Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành xử lý hồ sơ. Theo đó, cán bộ phụ trách sẽ thực hiện việc xác minh thực địa, thẩm tra lại hồ sơ, xác thực mục đích sử dụng đất. Sau đó, cơ quan này sẽ tiến hành trình hồ sơ lên UBND cấp huyện để xin quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Bước 3: Sau khi nhận được quyết định chính thức từ văn phòng UBND, Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành cập nhật, chỉnh sửa cơ sở dữ liệu địa chính. Sau đó sẽ tiến hành thông báo, hướng dẫn người dân thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Bước 4: Phòng Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho người nộp đơn. Thông thường quá trình tiếp nhận - xử lý và trả kết quả sẽ được thực hiện tối đa trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên tại một số khu vực có điều kiện khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì quá trình này có thể kéo dài đến 25 ngày.
Câu hỏi thường gặp về đất LUC
Đất LUC có xây nhà được không?
Đất LUC không được phép xây nhà hay bất cứ một công trình dân dụng nào khác. Hiện nay chỉ có 02 loại đất ONT và ODT là đất hợp pháp được sử dụng cho mục đích xây dựng nhà ở. Do vậy, nếu có nhu cầu xây nhà ở trên đất LUC: Người sử dụng đất cần thực hiện thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo các hướng dẫn ở phần trên.
Phí chuyển đổi đất LUC lên thổ cư là bao nhiêu?
Để chuyển đổi đất LUC lên thổ, người sử dụng đất cần phải nộp thêm phí chuyển đổi. Tuy theo bảng giá thuế tại từng địa phương mà mức phí này sẽ có sự chênh lệch nhất định.
Phí chuyển đổi đất LUC lên thổ cư sẽ bao gồm các khoản sau đây:
Tiền sử dụng đất
- Đối với trường hợp chuyển từ đất trồng lúa là đất ao, vườn, thuộc cùng một thửa đất có nhà ở sang đất thổ cư: Tiền sử dụng đất = 50% (Tiền sử dụng đất ở - Tiền sử dụng đất nông nghiệp)
- Đối với trường hợp chuyển từ đất trồng lúa được Nhà nước giao cho sử dụng không thu tiền sang đất thổ cư: Tiền sử dụng đất = (Giá của 1 đơn vị diện tích đất ở - Giá của 1 đơn vị diện tích đất trồng lúa) * Diện tích đất được phép chuyển đổi mục đích sử dụng
Tiền bảo vệ và phát triển diện tích đất trồng lúa
Khoản phí này được quy định tại Nghị định 35/2015/NĐ-CP và nghị định sửa đổi bổ sung là Nghị định 62/2019/NĐ-CP
Tiền bảo vệ và phát triển diện tích đất trồng lúa = Tỷ lệ % * Diện tích được phép chuyển đổi mục đích sử dụng * Giá của 1 đơn vị diện tích đất trồng lúa tính theo bảng giá đất được UBND cấp tỉnh ban hành
Trong đó, tỷ lệ % được UBND cấp tỉnh tại địa phương có đất trồng lúa quy định. Mức tỷ lệ % tối thiểu phải là 50%.
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất LUC lên đất thổ cư sẽ cần nộp khoản lệ phí này trong trường hợp việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần phải xác nhận biến động hoặc cấp sổ mới. Mức lệ phí này sẽ được quy định và thu theo Nghị quyết của từng HĐND cấp tỉnh tại địa phương có đất trồng lúa.
Lệ phí trước bạ
Dựa theo Nghị định 10/2022/NĐ-CP, mức lệ phí trước bạ người dân cần nộp khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất LUC sang đất thổ cư = 0,5% * Diện tích đất LUC được phép chuyển đổi mục đích sử dụng * Giá của 1 đơn vị diện tích đất trồng lúa căn cứ theo bảng giá đất.
Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo thông tư 85/2019/TT-BTC, phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định và thu theo Nghị quyết của từng HĐND cấp tỉnh tại địa phương có đất trồng lúa.
Trên đây là toàn bộ những thông tin chi tiết cũng như những quy định của pháp luật giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc: Đất LUC là gì? Làm sao để chuyển đổi đất LUC thành đất thổ cư?
Hy vọng những thông tin được LandInfo mang đến trong bài viết này đã giúp bạn đọc có cho mình cái nhìn tổng quan nhằm sử dụng đất LUC hợp lý, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Hãy thường xuyên truy cập trang chủ của chúng tôi để đón đọc các bài viết hữu ích tương tự cũng như đăng tin mua bán nhà đất chính chủ nếu có nhu cầu.