Đất LNK là gì? 05 lưu ý quan trọng cần cân nhắc trước khi xuống tiền
Đất LNK là gì? Loại đất này thuộc nhóm đất nào, được Nhà nước quy định ra sao về mục đích sử dụng cũng như các bước chuyển đổi, lưu ý cần nhớ trước khi xuống tiền đầu tư vào loại đất này là gì? Hãy cùng LandInfo tìm hiểu ngay các thông tin chi tiết về đất LNK thông qua bài viết để giải đáp toàn bộ thắc mắc:
- Đất LNK là gì?
- Mục đích sử dụng đất cây lâu năm khác (LNK) là gì?
- Đất LNK có được xây nhà không?
- Đất LNK khác gì với đất ONT?
- Các bước chuyển đổi đất LNK sang đất ở
- Cần lưu ý gì trước khi đầu tư đất LNK?
Đất LNK là gì?
Để giải đáp chi tiết khái niệm đất LNK là gì, trước tiên mời bạn đọc cùng LandInfo tìm hiểu thông tin quy định của pháp luật về các nhóm đất chính:
Ký hiệu đất LNK và các loại đất nông nghiệp
Căn cứ theo Luật Đất đai năm 2013, Điều 10, nước ta có 03 nhóm đất lớn được phân loại căn cứ trên mục đích sử dụng. Bao gồm nhóm đất nông nghiệp - phi nông nghiệp và nhóm đất chưa được đưa vào sử dụng.
Thông tư 25/2014/TT-BTNMT đã quy định cụ thể về ký hiệu của từng loại đất thuộc nhóm nông nghiệp như sau:
Tên gọi loại đất phân theo mục đích sử dụng |
Ký hiệu loại đất |
Đất trồng các loại cây hàng năm khác |
BHK |
Đất trồng các loại cây lâu năm |
CLN |
Đất nông nghiệp khác |
HNK |
Đất làm muối |
LMU |
Đất chuyên trồng lúa nước |
LUC |
Đất trồng các loại lúa nước còn lại |
LUK |
Đất lúa nương |
LUN |
Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác |
NHK |
Đất dùng để nuôi trồng thủy sản |
NTS |
Đất rừng đặc dụng |
RDD |
Đất rừng phòng hộ |
RPH |
Đất rừng sản xuất |
RSX |
Tuy nhiên trong danh sách trên lại không tìm thấy được ký hiệu đất LNK. Vậy LNK là loại đất gì, đây có phải đất nông nghiệp không và mang ý nghĩa thật sự là gì?
Vậy đất LNK là đất gì?
Thông tư 27/2018/TT – BTNMT bổ sung quy định về loại đất có ký hiệu LNK, tên gọi là đất trồng cây lâu năm khác. Đất LNK được sử dụng để trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng, thu hoạch hơn 01 năm, gồm có: Cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu lâu năm và một số loại cây lâu năm khác.
Mục đích sử dụng đất cây lâu năm khác (LNK) là gì?
Mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm khác (LNK) bao gồm:
- Trồng xen kẽ các loại cây lâu năm và các loại cây hàng năm
- Trồng hỗn hợp đa dạng các loại cây lâu năm khác nhau
- Trồng chuyên biệt một hoặc một số loại cây lâu năm với mục đích tạo cảnh quan, bóng mát, lấy gỗ hoặc sản xuất nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến khác
Các loại cây thường được trồng trên đất LNK bao gồm: Cây xà cừ, cây bụt mọc, cây xoan, cây lộc vừng, cây keo, cây hoa sữa, cây bạch đàn,...
Đất LNK có được xây nhà không?
Bản chất của đất LNK là đất nông nghiệp, do đó, người sử dụng đất không được tự ý thực hiện các hoạt động xây nhà ở, sản xuất công nghiệp hoặc kinh doanh thương mại,... Việc xây dựng nhà ở trên đất LNK chỉ hợp pháp khi người sử dụng đất đã làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ONT và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Giải nghĩa khái niệm đất ONT là gì?
Dành cho những ai chưa nắm rõ về định nghĩa cũng như mục đích sử dụng quy định đối với đất ONT: Đây là loại đất thổ cư nằm tại khu vực nông thôn, có tên gọi là đất ở nông thôn và được viết tắt dưới dạng ký hiệu ONT trong bản đồ địa chính.
Đất ONT là nhóm đất phi nông nghiệp nằm trong các khu dân cư nông thôn, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cho phép các cá nhân, hộ gia đình sử dụng nhà ở, công trình dân dụng phục vụ cho đời sống sinh hoạt bao gồm ao, vườn,... Hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất cần đảm bảo sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn cũng như định hướng sử dụng đất của cơ quan chính quyền địa phương.
Tự ý xây nhà trên đất LNK bị xử phạt như thế nào?
Trường hợp người sử dụng đất LNK cố tình vi phạm quy định về mục đích sử dụng đất. Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP, Điều 6, cá nhân, hộ gia đình có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền, số tiền nộp phạt sẽ được quyết định dựa trên mức độ vi phạm:
- Đối với diện tích đất tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép rộng dưới 0,5 ha: Số tiền phạt dao động từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
- Đối với diện tích đất tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép rộng trong khoảng từ 0,5 đến 3 ha: Số tiền phạt dao động từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
- Đối với diện tích đất tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép rộng trên 3 ha: Số tiền phạt dao động từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Đất LNK khác gì với đất ONT?
Để biết đất LNK khác gì với đất ONT, cần căn cứ vào mục đích sử dụng đất được nhà nước quy định:
- Đất LNK là đất được sử dụng vào mục đích chuyên trồng một loại, vài loại hoặc hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm.
- Đất ONT là đất phục vụ cho việc xây dựng nhà ở tại các khu dân cư nông thôn, các công trình dân dụng phục vụ cho đời sống sinh hoạt như đất làm vườn, đào ao,...
- Mỗi loại đất trên đều được quy định rõ ràng về mục đích sử dụng tại Luật Đất đai. Người sử dụng đất không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà chưa có sự phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Các bước chuyển đổi đất LNK sang đất ở
Chuẩn bị hồ sơ chuyển đổi đất LNK sang đất ở
Một bộ hồ sơ xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất LNK sang đất ở ONT bao gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai và các tài sản gắn liền theo mẫu quy định
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các loại tài sản khác gắn liền.
Quy trình, thủ tục chuyển đổi đất LNK sang đất ở
Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất LNK sang đất ở có thể thực hiện tuần tự theo quy trình gồm 04 bước sau đây:
- Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất LNK sang đất ở nộp bộ hồ sơ đã chuẩn bị tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc các nơi tiếp nhận hồ sơ khác được quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Điều 60, Khoản 2, 3, 4 và 5.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ và phù hợp của bộ hồ sơ, đồng thời thực hiện công tác xác minh thực địa (nếu xét thấy cần thiết).
- Cán bộ xử lý hồ sơ xác nhận vào đơn đăng ký và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện việc chỉnh lý hồ sơ địa chính và cập nhật biến động vào cơ sở dữ liệu đất đai.
- Cuối cùng, Văn phòng đăng ký đất đai trao lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có xác nhận chuyển đổi mục đích sử dụng cho cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu theo đúng lịch hẹn.
Cần lưu ý gì trước khi đầu tư đất LNK?
Kiểm tra pháp lý của mảnh đất
Hiện nay những thủ đoạn làm giấy tờ giả rất tinh vi, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng điều này để thực hiện các chiêu trò lừa đảo khi mua bán nhà đất. Vậy nên trước khi đầu tư đất LNK, bạn cần đưa ra yêu cầu xem và kiểm tra sổ hồng, sổ đỏ, đối chiếu các loại giấy tờ định danh bao gồm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và giấy đăng ký kết hôn của bên bán xem có đúng là chính chủ hay không.
Bạn có thể đến các văn phòng công chứng để nhờ các công chứng viên xem xét, giám định các loại giấy tờ này. Vì chỉ những đơn vị chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ kiến thức và các loại thiết bị giám định hiện đại thì mới có khả năng phân định được.
Không chỉ vậy, người mua nên đến tận nơi để kiểm tra, đối chiếu thực tế nhà đất với thông tin trên sổ đỏ xem có trùng khớp hay không, kiểm tra, đối chiếu tương đối giữa bản vẽ và khu đất. Để làm được điều này, người mua cần học cách xem sơ đồ vị trí, bảng kê tọa độ gốc của mảnh đất. Trong trường hợp không nắm rõ, bạn nên nhờ cán bộ địa chính tại khu vực hỗ trợ để biết chính xác tình trạng pháp lý của mảnh đất LNK định mua.
Kiểm tra thông tin tranh chấp đất LNK
Tranh chấp là vấn đề rất phức tạp mà bạn cần tránh khi tìm chọn mua nhà đất. Do đó, hãy cố gắng tìm hiểu cặn kẽ, chi tiết toàn bộ thông tin liên quan đến mảnh đất LNK định mua, hỏi thăm người dân xung quanh, nhờ các văn phòng bất động sản tại địa phương hỗ trợ nhằm xác định được liệu mảnh đất mà bạn muốn mua có đang thuộc diện đang bị tranh chấp quyền sử dụng hay không.
Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp nhà đất trong thời buổi hiện nay lại khá phức tạp. Có rất nhiều xung đột ngầm rất khó nắm bắt. Ví dụ, tranh chấp về đường lái xe vào nhà, hàng rào hay lối thoát nước. Đôi khi chỉ là những vướng mắt rất nhỏ nhưng có thể tạo nên những mâu thuẫn lớn gây ảnh hưởng đến quá trình sử dụng hay thậm chí chuyển nhượng đất LNK về sau này.
Tệ hơn nữa, khi bạn làm thủ tục mua bán, sang tên sổ đỏ tại cơ quan Nhà nước mà có người khiếu kiện, tranh chấp thì quá trình sang tên sổ đỏ có thể bị tạm dừng để giải quyết tranh chấp.
Kiểm tra thông tin thế chấp và vay nợ
Để chắc chắn hơn về tính pháp lý của mảnh đất, bạn có thể tham khảo tại bìa 3 hoặc 4 của sổ đỏ. Nếu mảnh đất LNK đó đã thế chấp ngân hàng thì thông tin sẽ được ghi tại đây. Trong một số trường hợp, sổ đỏ sẽ được đính kèm một trang riêng có thông tin về việc thế chấp. Giữa trang này và sổ đỏ có dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai. Nếu người bán muốn che giấu thông tin thế chấp bằng xé bỏ trang đó thì bạn sẽ có thể nhìn thấy một nửa dấu giáp lai còn lại.
Trong trường hợp bên bán dùng đất LNK làm tài sản thế chấp cho các cá nhân, tổ chức cho vay “nóng”, vay nặng lãi sẽ càng khó kiểm chứng. Lúc này, người mua cần biết liệu người bán có đang trong tình trạng làm ăn thua lỗ, nợ nần hay cờ bạc, cần vay nặng lãi hay không.
Kiểm tra thông tin quy hoạch đất LNK
Bạn cần biết bất mảnh đất LNK mà mình muốn mua có thuộc lô đất, dự án đang nằm trong diện quy hoạch hay không. Người bán, người môi giới đôi khi có thể cố ý không cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng pháp lý của tài sản. Thậm chí, cũng có trường hợp mảnh đất LNK đó thuộc dự án quy hoạch đất đã bị treo quá lâu mà chính người bán cũng không còn nhớ hoặc không nắm rõ.
Để xác minh tình trạng pháp lý của đất LNK, người mua nên yêu cầu được xem sổ đỏ. Nếu đất đã có sổ đỏ thì bên trong phần ghi chú của sổ thường sẽ có thông tin quy hoạch. Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ văn phòng công chứng địa phương hoặc hỏi thông tin từ những người hàng xóm lân cận.
Hiện nay, nhà đầu tư còn có thể tra cứu trực tuyến thông tin quy hoạch của đất LNK trên Cổng thông tin điện tử UBND. Bạn cũng có thể gửi yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai đến cơ quan quản lý Nhà nước, Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu nơi đó không có Văn phòng đăng ký đất đai.
Xem xét khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Luật Đất đai năm 2013 đã nêu quy định rõ ràng về các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần có sự phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
- Chuyển đổi mục đích sử dụng của đất trồng lúa sang đất làm muối, nuôi trồng thủy sản; đất trồng rừng; đất trồng cây lâu năm.
- Chuyển đổi mục đích sử dụng của đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản có hình thức là đầm, ao, hồ; đất làm muối hoặc đất nuôi trồng thủy sản nước mặn.
- Chuyển đổi mục đích sử dụng của đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ hoặc đất rừng đặc dụng sang mục đích khác vẫn thuộc nhóm đất nông nghiệp.
- Chuyển đổi mục đích sử dụng của đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
- Chuyển đổi mục đích sử dụng của loại đất thuộc nhóm phi nông nghiệp, được Nhà nước giao quyền sử dụng không thu tiền sang đất phi nông nghiệp cho thuê hoặc thuộc diện được Nhà nước giao quyền sử dụng có thu tiền.
- Chuyển đổi mục đích sử dụng của đất thuộc nhóm phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở nông thôn hoặc đất ở đô thị.
- Chuyển đổi mục đích sử dụng của đất công cộng có kết hợp kinh doanh, đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp không phải đất dịch vụ, thương mại sang đất dịch vụ, thương mại hoặc ngược lại.
Ngoài ra, khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn phải phụ thuộc vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương, quy hoạch và định hướng của Nhà nước.
Trên đây là toàn bộ những thông tin chi tiết xoay quanh đất LNK là gì, mục đích sử dụng ra sao, các quy định, thủ tục hành chính liên quan và những điều quan trọng cần lưu ý trước khi đầu tư. Hãy thường xuyên truy cập LandInfo để tham khảo thêm các bài viết hữu ích tương tự có cùng chủ đề và đăng tin mua bán nhà đất chính chủ nếu có nhu cầu nhé.