Tp.HCM cần 675.000 tỉ đồng để đầu tư loạt dự án giao thông trọng điểm
Mới đây, Sở GTVT Tp.HCM gửi UBND thành phố văn bản về xây dựng các chính sách, kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông của thành phố giai đoạn 2021 – 2030.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, Tp.HCM cần khoảng 675.000 tỉ đồng để xây dựng các dư án hạ tầng giao thông.
Cụ thể, những dự án được ưu tiên là cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài, Vành đai 3, nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 (từ nút giao Tân Kiên đến giáp ranh Long An), đường mở mới phía Tây Bắc, đường trục động lực (song song quốc lộ 50), đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu Lớn, đường Võ Văn Kiệt nối dài...
Các tuyến Metro Số 2, Số 3a, 3b, Số 4, Số 4b, Số 5, Số 6, tuyến xe điện mặt đất Số 1, tàu điện một ray (Monorail) Số 2, Số 3…
Các đường trên cao Số 1 (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố); Số 5 (nút giao Trạm 2 - An Sương); tuyến trên cao Bắc - Nam từ, đoạn đường Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh...
Trong số các dự án được đề xuất có thêm 4 cây cầu lớn là cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Quới, Bình Qưới - Rạch Chiếc.
Ngoài ra, thành phố sẽ đầu tư các dự án cảng đường thuỷ, công trình bến bãi giao thông và dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm, thuộc nhóm công trình chương trình đô thị thông minh tại thành phố.
Trong số các dự án được đề xuất đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025, có những dự án được người dân hết sức mong chờ. Nếu được xây dựng sớm, dự án sẽ mang đến những thay đổi tích cực với kinh tế - xã hội.
Cụ thể, cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp tại khu vực hạ lưu phà Bình Khánh hiện hữu. Điểm đầu của cầu tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2, khu đô thị Phú Xuân, Nhà Bè. Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách phà Bình Khánh khoảng 1,8km về phía Nam. Tổng chiều dài tuyến đường nghiên cứu khoảng 7,41km tổng vốn đầu tư khoảng 5.300 tỉ đồng.
Trong tổng nhu cầu vốn để đầu tư các nhóm dự án này, Sở Giao thông Vận tải tính toán cần hơn 70.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng, còn lại hơn 605.000 tỷ đồng sẽ kêu gọi nhà đầu tư tham gia bằng các hình thức xã hội hoá, vốn ODA.
Hồi tháng 7, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách Tp.HCM được Quốc hội thông qua với mức vốn 142.557 tỷ đồng. Theo Sở Giao thông Vận tải, mức này chỉ đủ cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020. Hiện, Covid-19 ở thành phố diễn biến phức tạp và ngân sách đang ưu tiên cho phòng chống dịch nên việc bố trí kinh phí cho các dự án lớn càng gặp trở ngại.
Để đẩy nhanh thực hiện, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Đồng thời, thành phố nghiên cứu phát triển quỹ đất, đô thị dọc bên các tuyến đường mới để tạo nguồn lực tái đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Trước mắt, các dự án cần được bố trí vốn làm các công tác chuẩn bị đầu tư như lập, đề xuất dự án; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cùng các đầu việc khác liên quan...