Thổi giá đất khi hạ tầng còn “trên giấy”

Ban nội dung
Được đăng bởi LandInfo
Nội dung

    “Cơn sốt” đất Hớn Quản (Bình Phước) trong những ngày vừa qua một lần nữa cảnh báo nhà đầu tư khi vẫn chạy theo thông tin hạ tầng trên giấy, thổi giá bất động sản bất chấp những hệ lụy.

    Lao vào tranh mua đất ngay khi bắt được tin nóng

    Gần 1 tuần qua, khu vực huyện Hớn Quản, Bình Phước chứng kiến cảnh hàng trăm xe ô tô biển số các tỉnh Bình Phước, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội… nối đuôi nhau chở nhà đầu tư tìm về các tuyến đường liên xã An Khương và xã Tân Lợi săn mua đất. Một thị trường vốn nhạt nhòa trên “bản đồ” đầu tư đất bỗng trở thành miếng bánh ngon được hàng trăm môi giới tranh giành, trở thành trung tâm “sốt đất” mới của khu vực phía Nam ngay sau Tết Nguyên đán.

    Sự thay đổi này bắt nguồn từ thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất lập dự án xây dựng sân bay lưỡng dụng tại huyện Hớn Quản. Thông tin Bình Phước sẽ có sân bay ngay lập tức tạo sóng kéo nhiều cò đất lẫn dân đầu tư đổ về “săn" đất. Dọc các tuyến đường liên xã, hàng chục biển báo với các dòng chữ “mua bán đất sân bay Téc níc”, “điểm tư vấn mua bán đất nền”, “bán đất sân bay” được dựng lên chào mời các nhà đầu tư. Đội ngũ môi giới khu vực gia tăng, tụ tập thành từng nhóm nhỏ, tiếp cận chào bán và dẫn khách đi xem đất bất kể ngày đêm. Không khí giao dịch mua bán đất tại huyện Hớn Quản diễn ra nhộn nhịp, nhiều ha đất trồng điều, cao su được dân đầu cơ thuê máy xúc, máy ủi san lấp bằng phẳng, phân thành các lô đất nông nghiệp khoảng 1.000m2 để rao bán.

    thoi-gia
    Thông tin đề xuất dự án sân bay tại Hớn Quản đang bị cò nhà đất khu vực này lợi dụng để thổi giá BĐS. Ảnh minh họa

    Cùng với động thái ùn ùn kéo về của nhà đầu tư là làn sóng thổi giá đất vô tội vạ tại thị trường này. Theo tìm hiểu của, giá đất tại Hớn Quản biến động mạnh trong vài ngày cuối tháng 2/2021. Nhiều lô đất rừng, đất trồng cây lâu năm tăng gấp 2-3 lần chỉ sau vài ngày. Cụ thể tại khu vực xã An Khương, giá các lô đất mặt tiền đường nhựa chỉ trong khoảng ba ngày đã tăng từ 100 triệu đồng mét ngang lên 300-400 triệu đồng, thậm chí ở một số vị trí đẹp cán mốc 450 triệu đồng. Đặc biệt, tại các vùng lân cận nơi được khảo sát lập đề án quy hoạch sân bay Técníc, một số mảnh đất cách vị trí được cho là cổng sân bay khoảng 1,5km, giá đất từ 300-500 triệu chỉ sau vài ngày sang tay qua lại vài chủ đất mới đã lên con số hàng tỷ đồng. Đất nông nghiệp tại các xã An Phú, Minh Tâm cũng tăng gấp đôi sau vài lần đổi chủ.

    Tuy nhiên ngay khi UBND huyện Hớn Quản ra văn bản cảnh báo người dân trước cơn sốt đất, tình trạng dân đầu tư, cò đất tụ tập mua bán, thổi giá đất đã không còn diễn ra. Đời sống của người dân khu vực trở lại bình thường, sức mua nguội lạnh khiến nhiều nhà đầu tư, cò đất rơi vào tình trạng "chết đứng", vội vàng ra hàng bất chấp hoặc lật kèo với bên bán.

    Một nhà đầu tư từ TP.HCM tham gia sốt đất tại Hớn Quản cho hay, hầu hết các giao dịch mua bán mấy ngày qua chỉ dừng lại ở mức độ cọc tiền đất. Cò đất cọc tiền đất với chủ đất sau đó giao dịch qua lại giữa các nhà đầu tư, phần lớn đều chỉ là “lướt sóng”, hiếm có trường hợp có ý định mua thực và tiến đến công chứng mua bán. Chính vì vậy khi mà không tiếp tục kiếm được người lướt thay, nhà đầu tư cuối cùng hoặc phải mua vào thực với giá trên trời hoặc là mất toàn bộ tiền cọc trước đó. Không ít môi giới tham lợi, ôm nhiều đất mà không kịp ra cũng lâm cảnh khốn đốn không kém.

    Thổi giá đất khi hạ tầng còn “trên giấy”

    Trên thực tế, việc đầu tư chạy theo quy hoạch không là hiện tượng lạ trên thị trường BĐS. Chỉ với một thông tin quy hoạch hạ tầng, nhà đầu tư, giới đầu cơ đã có thể đổ xô "ôm đất" chờ quy hoạch, đẩy giá, lướt sóng. Câu chuyện tại Hớn Quản, Bình Phước hiện nay giống như kịch bản đã diễn ra ở xã Bình Ba, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vào khoảng thời gian này cách đây một năm, hay tại Phan Thiết, Bình Thuận vào năm 2019. Đầu tháng 2 năm ngoái, thông tin một tập đoàn BĐS lớn trong nước khảo sát vị trí làm dự án tại xã Bình Ba đã thu hút sự tập trung đông đúc của nhà đầu tư từ TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh thành phía Bắc. Giá đất ở khu vực Bình Ba theo đó tăng gấp 3 lần chỉ sau một tuần. Tuy nhiên, sau khi báo chí và chính quyền địa phương cùng lên tiếng cảnh báo, cơn sốt đã nhanh chóng nguội lạnh chỉ sau 2 tuần. Hệ lụy là nhiều người nông dân mất đất canh tác, nhà đầu tư không kịp tháo chạy chôn vốn tại thị trường này.

    Tương tự đề án triển khai xây dựng sân bay Phan Thiết năm 2019 nhanh chóng làm dậy sóng thị trường BĐS Bình Thuận. Cụ thể, tại địa bàn Thiện Nghiệp - nơi dự kiến xây sân bay, xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Giới đầu cơ đất đổ dồn về săn đất, đã khiến giá đất biến động từng ngày từng giờ. Đất nông nghiệp trước đây có giá 1-2 tỷ đồng/ha vọt lên 10-15 tỷ đồng/ha tùy vị trí. Kết quả sau 2 năm, thị trường này nhạt nhòa khi trở thành "hố đen" của nhiều nhà đầu tư tay mơ thiếu kinh nghiệm.

    Cũng không khác mấy so với Bình Ba, cơn sốt đất sân bay Hớn Quản đến chóng vánh đi vội vàng, diễn ra trong khoảng 1 tuần rồi tan. Câu hỏi đặt ra là sức hút của những vùng đất còn nhiều khó khăn này có thật sự đủ để bùng nổ nhà đất. Trước đó chỉ khoảng hơn 1 tháng, cũng tại Bình Phước, khi thông tin Thủ tướng đồng ý chủ trương nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT753 kết nối Đồng Phú với sân bay quốc tế Long Thành làm dấy lên một cơn “sốt” đất ảo ở các xã Tân Hưng, Tân Hòa, huyện Đồng Phú. Dân đầu tư ùn ùn kéo về đường ĐT753 lướt sóng, giá đất tại đây bị đẩy lên gấp 2-3 lần so với giá trị trước đó.

    Là một huyện thuần nông thuộc tỉnh Bình Phước, Hớn Quản hiện có khoảng 24.000 người thuộc các dân tộc thiểu số với đời sống kinh tế còn khá khó khăn. Riêng tại xã An Khương có đến hơn 62% người dân thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, khi "sốt đất" diễn ra trên địa bàn, chính quyền địa phương đã gấp rút tuyên truyền người dân không để các "cò đất" xúi giục bán đất, dẫn đến không còn đất sản xuất, có nguy cơ đói nghèo. Với nhà đầu tư, việc "cầm đèn chạy trước ô tô", đổ tiền bất chấp theo một đề xuất mới chỉ nằm "trên giấy" là đang tự rước rủi ro quá lớn vào mình.

    Phương Uyên

    Chia sẽ (FB, Zalo)

    Tin tức nhiều người xem

    Tin tức liên quan

    Nội dung
      Phản hồi - Góp ý