Nhà đất đang bị làm giá
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhà đất bị làm giá khi dòng tiền từ chứng khoán, ngoại hối và các ngành kinh tế khác chuyển hướng đầu tư vào bất động sản để găm giữ tài sản.
Báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 vừa được Hội môi giới bất động sản Việt Nam công bố cho thấy nguồn cung bất động sản cả nước 6 tháng đạt 129.890 sản phẩn nhưng lượng giao dịch đạt 47.119 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ trên thị trường đạt 33,9% nguồn cung.
Tại Hà Nội, trong quý 2 tổng sản phẩm chào bán trên thị trường đạt 4.578 sản phẩm, trong đó có 3.726 căn hộ chung cư, 852 nhà ở thấp tầng. Lượng giao dịch bất động sản tại thị trường Hà Nội rất thấp, đạt 1.094 sản phẩm, trong đó có 670 căn hộ chung cư, 424 nhà thấp tầng.
Trong khi đó tại TP.HCM, quý 2 ghi nhận 4.028 sản phẩm chào bán, gồm 3.844 căn hộ chung cư, 184 nhà ở thấp tầng. Tổng sản phẩm giao dịch trên thị trường rất thấp, đạt 963 sản phẩm, trong đó có 853 căn hộ chung cư, 110 nhà ở thấp tầng.
Tỉ lệ hấp thụ sản phẩm bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM đạt 23,9% tổng số nguồn cung quý 2.
Lượng tồn kho trên thị trường bất động sản cả nước 6 tháng theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam rất lớn, nguyên nhân do giao dịch trên thị trường từ đầu năm 2020 tới nay rất thấp.
Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản quý 2 và nửa đầu năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính - phó chủ tịch thường trực, tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết dịch COVID-19 bùng phát, lây lan rộng và kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường. Cầu thực trên thị trường giảm thể hiện ở số lượng giao dịch giảm sâu nhưng tổng tiền vào thị trường có dấu hiệu tăng mạnh.
Nguyên nhân do một lượng lớn tiền từ các lĩnh vực chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu đổ mạnh vào thị trường bất động sản tìm cơ hội đầu tư, găm giữ tài sản, tạo áp lực tăng giá bán.
Cũng theo ông Đính, nguồn tiền thực vào thị trường bất động sản lớn là nguyên nhân chính đẩy giá bất động sản tăng mạnh, tạo nên hiện tượng sốt đất trong tháng 2, tháng 3-2021.
Hiện tượng cầu lớn, nguồn cung mới khan hiếm, đẩy giá tăng mạnh đã thành cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia phát triển thị trường không tuân thủ quy định pháp luật. Có hiện tượng xẻ thịt, chia lô đất rừng, đất đồi, ruộng để bán làm náo loạn trật tự ở nhiều địa phương, vị này phân tích.
Tuy nhiên, Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng nguồn tiền lớn đổ vào bất động sản hiện nay là nguồn đầu tư ngắn hạn, không bền vững, hết COVID-19 nguồn tiền này sẽ quay về các thị trường cũ.
"Ở thời điểm này nếu đầu tư bất động sản theo tâm lý đám đông, thiếu kinh nghiệm dễ bị dụ dỗ, mắc bẫy…", ông Đính khuyến cáo.
Một xu hướng đáng lưu ý được Hội môi giới bất động sản chỉ ra là kể từ năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản thứ cấp tăng trưởng tốt. Giá bất động sản tăng đều, ước tính tăng hơn 10%/năm, nhiều dự án tốt giá tăng trên 20%/năm, làm xuất hiện nhiều nhóm đầu tư bất động sản đầu tư mua đi bán lại để kiếm lời.
Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh áp lực tăng giá với bất động sản hình thành trong tương lai rất lớn khi giá đất trên thị trường sau cơn sốt nhiều nơi vẫn còn ở mức cao dẫn đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao. Khung giá đất ở nhiều địa phương bị điều chỉnh tăng lên 15%.
Đáng lưu ý là vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đã tăng khoảng 50% trong thời gian qua do nhóm chi phí này chiếm trên 50% giá thành đầu vào bất động sản.