Măng Đen - “Đà Lạt thứ 2” của đại ngàn Tây Nguyên đã trở thành trung tâm sốt đất và sai phạm chồng chất như thế nào?
Chuyện gì đang xảy ra ở Măng Đen?
"Đà Lạt thứ hai" thức giấc
Măng Đen là một thị trấn nhỏ thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 60km. Măng Đen nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, vốn được mệnh danh là "Đà Lạt thứ hai" của Tây Nguyên do có khí hậu mát mẻ, ôn hòa, 4 mùa trong một ngày. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của Măng Đen chưa phát triển quá nhiều, chưa bị quy hoạch chồng chéo hay "bê tông" hóa nên cảnh quan vẫn giữ được nét hùng vĩ, hoang sơ.
Do đó mà từ lâu, Măng Đen đã trở thành điểm đến yêu thích của những khách du lịch thích khám phá, đặc biệt là dân phượt. Một số điểm du lịch nổi tiếng tại đây có thể kể đến Hồ Đăk Ke, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, thác Pa Sỹ, hồ Đăm Bri, Làng du lịch Kon Bring,...
Những khung cảnh đẹp như mơ ở Măng Đen
Trong Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Đô thị Kon Plông thuộc vùng du lịch sinh thái Măng Đen được coi là trung tâm du lịch chính, là đô thị loại IV đến năm 2020. Đến năm 2030, hình thành 2 đô thị loại V (xã Hiếu và xã Đăk Tăng), với các chức năng: nghỉ ngơi, điều dưỡng, du lịch sinh thái, giải trí, thể thao, biểu diễn ca múa nhạc, làng văn hóa dân tộc,… có diện tích khoảng 30.000 ha. Vùng du lịch sinh thái Măng Đen là vùng bảo tồn sinh thái, rừng quốc gia.
Cũng vì có tiềm năng lớn và còn nhiều dư địa để phát triển du lịch nên từ nhiều năm trước, không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tìm về Kon Plông mua đất, xây biệt thự, khách sạn, nhà hàng. Theo thống kê của huyện Kon Plông, địa phương đã bán khoảng 200 nền đất trong giai đoạn 2006 - 2008. Trong đó, có hơn 50 biệt thự đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; còn lại rất nhiều nền đất chưa được xây dựng hoặc mới làm móng; số còn lại xây dở dang.
Những biệt thự từng bị bỏ hoang ở Măng Đen
Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế và bong bóng bất động sản giai đoạn 2008-2009 đã khiến nhiều nhà đầu tư phải dừng xây dựng.
Vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản tại Măng Đen nói riêng và Kon Plông nói chung như được hồi sinh trở lại, nhiều đại gia bất động sản lại chạy đua xin làm dự án.
Năm 2018, Kon Tum đã phê duyệt các Đồ án Quy hoạch phân khu Khu phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum - Măng Đen.
Tháng 8/2021, tỉnh Kon Tum đã cơ bản thống nhất về quy hoạch Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị Măng Đen với quy mô 648ha do Tập đoàn FLC đề xuất. Ngoài ra, phương án quy hoạch và đầu tư khu vực Sân bay Măng Đen cũng đang chờ được chấp thuận sau khi điều chỉnh Quy hoạch chung của thị trấn.
Quy hoạch sân bay Măng Đen đang trong giai đoạn chờ phê duyệt
Sốt ảo và sai phạm liên tục
Không bỏ lỡ sóng du lịch nghỉ dưỡng, các nhà đầu tư đã nhanh chóng quay lại đây mua đất, xây biệt thự nghỉ dưỡng. Nếu như biệt thự giai đoạn 2008-2009 chỉ được rao bán với giá 1-1,5 tỷ đồng mà còn không có người mua, thì giờ đã tăng chóng mặt. Đến năm 2020, mỗi căn biệt thự có giá không dưới 5 tỷ, bước sang tháng 4/2021 thì giá tiếp tục được đẩy lên đến 6 - 8 tỷ tùy theo từng vị trí dọc theo quốc lộ 24, mức tăng lên đến 23 lần so với cách đây 10 năm.
Hồi tháng 6/2021, trước tình trạng giá đất, giá biệt thự tăng đột biến, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi các sở, ngành, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Kon Tum và UBND các huyện, TP về tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản. Do đó, tỉnh này khuyến cáo người dân không chạy theo cơn sốt đất, đầu tư “lướt sóng" kiếm lời.
Tuy vậy, cơn sốt đất tại Măng Đen vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong khi đó, mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra số 222 về thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, qua kiểm tra điểm trình tự, thủ tục 89 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại thị trấn Măng Đen, phát hiện nhiều vi phạm như ý kiến của cơ quan đăng ký đất đai trong đơn đăng ký cấp sổ đỏ không nêu căn cứ pháp luật về công nhận quyền sử dụng đất hoặc không ghi đầy đủ nội dung theo quy định. Thời gian giải quyết thủ tục chậm so với quy định, sổ đỏ được cấp không ghi ngày tháng.
Chưa kể, trong sổ đỏ cấp lần đầu cho các trường hợp giao đất xây dựng nhà ở biệt thự ghi không đúng quy định về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất. Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND huyện Kon Plông chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát các trường hợp còn lại, thu hồi sổ đỏ đã cấp, điều chỉnh lại mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo đúng quy định.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, tại huyện Kon Plông còn có ít nhất 9 dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đầu tư năm 2014. Một số dự án được chỉ đích danh như dự án Trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch sinh thái; Khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen; Trang trại nuôi bò thịt; Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn Kon Plông… Ngoài ra, 6 dự án bị đề xuất chấm dứt hợp đồng gồm dự án đầu tư trồng cây thuốc và khu du lịch sinh thái; Đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy; Trung tâm bảo tồn giống và phát triển dược liệu Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh Kon Tum vừa ra quyết định thanh tra toàn diện Dự án khai thác quỹ đất khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông. Theo đó, dù chưa được chấp thuận song UBND huyện Kon Plông vẫn lấy đất rừng làm dự án khu biệt thự. Nhiều tuyến đường nhựa đã được xây dựng hoàn chỉnh xuyên qua những cánh rừng tự nhiên.
Mới đây, Huyện ủy Kon Plông mới đây đã kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo UBND tỉnh thu hồi 8 dự án trên địa bàn do nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, triển khai chậm so với tiến độ cam kết.
Hoàng Thùy