Kinh nghiệm né "bong bóng" khi đầu tư đất nền
Đầu tư đất nền sẽ lãi đậm nếu đánh giá đúng giá trị thực và tiềm năng tăng giá của mảnh đất. Tuy nhiên nếu chỉ vội vàng vay tiền rồi lao vào đầu tư khi có cơn sốt mà không đủ kiến thức và kinh nghiệm để “né bong bóng” thì lỗ là khó tránh.
Năm 2014, anh Mạnh Quân dồn hết tiền tiết kiệm mua một mảnh đất rộng 80m2, mặt đường rộng 6m với giá 8 triệu/m2 ở Vũng Tàu. Sau đó 4 tháng, có nhiều người liên hệ với anh để hỏi mua lại. Anh quyết định bán cho người trả giá cao nhất là 1,4 tỷ, thu lãi hơn 700 triệu.
Thấy chỉ đầu tư đất mới nhanh thu lời và lời đậm, có thể gấp đôi, gấp ba nên anh Quân tiếp tục đi tìm mua đất để thực hiện những thương vụ khác. Tính đến nay, từ việc lên thành phố lập nghiệp, ở nhà thuê để dồn tiền đầu tư đất, anh đã có một ngôi nhà 3,5 tầng và 2 miếng đất làm của để dành. “Nếu trước đây, tôi bòn góp để mua nhà, mua ô tô cho cả nhà tiện về quê hay vung tiền để lên đời điện thoại, vi vu du lịch… thì có lẽ đã không có vốn liếng như bây giờ. Hiện tại, trong số những người quen của tôi có đến khoảng 60% đều tham gia đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, nguyên tắc đầu tư của tôi là đầu tư có chừng mực, không chạy theo vòng xoáy của các cơn sốt đất dù lãi đậm nhưng rủi ro cũng rất cao nếu mua vào lúc giá đã đạt đỉnh”, anh Quân chia sẻ.
Không vào cuộc sớm như anh Quân, anh Hanh bắt đầu tìm hiểu đầu tư bất động sản phía Bắc từ năm 2017. Nhận ra xu hướng nghỉ dưỡng ven đô có nhiều tiềm năng nên anh chọn tìm mua đất ở Hoà Bình - vùng đất đẹp còn hoang sơ cách Hà Nội chỉ hơn 1 tiếng lái xe. Đầu năm 2018, anh Hanh mua miếng đất 1,2 tỷ, vừa rồi anh bán được giá 3,5 tỷ. “Tôi lãi đậm nhờ không vay ngân hàng đầu tư và thoát hàng đúng lúc đỉnh giá. Thực tế tôi đã thấy rất nhiều người vay nợ để đu đỉnh rồi khóc dở mếu dở, lỗ mấy trăm triệu chỉ sau 1 ngày. Khi đầu tư, theo tôi điều quan trọng là phải biết đánh giá được giá trị thực của mảnh đất. Nhà đầu tư cần nhận ra khi nào giá bị đẩy lên mức ảo, vượt quá xa giá trị thực để né ‘bong bóng’ vỡ. Tham mà thiếu kiến thức thì càng dễ mất tiền”, anh Hanh chia sẻ.
Việc giá đất quanh Hà Nội tăng mạnh, nhiều mảnh đất cách đây vài năm chỉ vài trăm triệu thì hiện đã vọt lên hàng tỷ đồng. Mức tăng giá này kéo hàng loạt người lao vào cơn sốt đất, bất chấp những lời cảnh báo từ các cơ quan chức năng và lời khuyên của các chuyên gia. Nếu không trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm, việc ôm “bong bóng” rồi vỡ nợ khi cơn sốt đi qua là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra bởi không phải ai cũng đủ tỉnh táo để thoát hàng đúng lúc.
Trả lời báo chí cách đây không lâu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, Hà Nội trong thời gian qua xảy ra hiện tượng tăng giá đất cục bộ tại một số nơi tại huyện Hoài Đức với mức 25-30 triệu đồng/m2, tăng 50% so với năm 2019; một số huyện như Gia Lâm, Đông Anh, Long Biên cũng tăng 20-30% so với năm trước. Để ổn định thị trường, trong năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng cơ chế nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm của thị trường; tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng làm giá, đẩy giá bất động sản nhằm thu lợi bất chính.
Hàng loạt địa phương mới đây như Hạ Long (Quảng Ninh), Bình Dương, Bình Phước… cũng đã phải ra văn bản cảnh báo sốt đất và đưa ra biện pháp ngăn chặn. Mới đây nhất, UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản, việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn nhằm đẩy giá bất động sản để trục lợi bất hợp pháp.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, ở Việt Nam, việc buôn bán đất quá dễ dàng và hấp dẫn khi kinh doanh bất động sản phải chịu mức thuế thấp hơn so với các ngành khác. Đề xuất đánh thuế tài sản đã được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả để ổn định thị trường bất động sản nhưng nếu triển khai ở Việt Nam thì vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét.
Khánh Trang