'Cò' đất bay qua, nước mắt ở lại
Sau vài ngày lên cơn sốt đất chưa từng có, làm dậy sóng Hớn Quản (Bình Phước), Bình Ba (Bà Rịa -Vũng Tàu)…, cơn sốt đã nguội lạnh. Đây thực chất là cuộc chơi của những “đội lái”, họ đẩy giá đất đạt đỉnh chốt lời rồi rút lui, những người nhảy vào sau cùng sẽ “chết chìm”.
Mua đất như mua rau
Chỉ 1 ngày sau khi lãnh đạo tỉnh Bình Phước lập đoàn đến huyện Hớn Quản khảo sát vị trí quy hoạch sân bay lưỡng dụng mang tên Téc Ních, hai xã Tân Lợi và An Khương của huyện Hớn Quản, vùng thôn quê hẻo lánh giáp biên giới này trở nên nhộn nhịp như lễ hội sau Tết bởi hàng trăm người từ các nơi đổ về mua đất. Trong số hàng trăm người có mặt quanh khu vực được cho là quy hoạch sân bay, hầu hết đều là “cò đất”. Họ đến đây với mục đích đi trước đón đầu, tranh thủ thông tin quy hoạch sân bay để “lướt sóng”, kiếm lời trên những mảnh đất nông nghiệp từng bán chẳng ai mua.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, “cò đất” đến huyện Hớn Quản tỏa đi các hướng, nhiều nhà dân ở xã An Khương, Tân Lợi liên tục được người lạ gõ cửa. “Mỗi ngày có ít nhất 4 người đến nhà hỏi mua đất với giá cao đến mức tôi không thể tin được. Với mảnh đất nông nghiệp đang trồng keo diện tích 400m2, họ trả gần 2 tỷ. Khi đó, tôi mới biết tin khu vực mình ở sắp có sân bay. Họ xem sổ đất rồi mượn đi photo, sau đó rao bán như đó là đất của chính mình dù tôi chưa có ý định bán”, bà Nguyễn Thị Miết (ngụ xã Tân Lợi) kể.
Gia đình ông Nguyễn Tiến Sinh (xã An Khương) ở gần nơi quy hoạch sân bay cũng không ít người đến gõ cửa ra giá cao khu đất cạnh nhà. Ông Sinh nói: “Chỉ trong một ngày, tôi tiếp đến vài người lạ, họ trả giá khác nhau nhưng tăng dần. Trên cổ, tay… của những người đến hỏi mua đất đeo đầy vàng. Có lúc, thấy trả giá đất cao, tôi định bán, nhưng nghe con trai khuyến cáo nên không dám”.
Câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tròn 1 năm trước, khi thông tin một tập đoàn bất động sản khảo sát để làm dự án ở đây khiến giá đất được đẩy lên cao ngất. Nhà đầu tư, môi giới từ nhiều nơi kéo xuống Bình Ba mua bán đất đai, gây náo loạn, làm dậy sóng vùng quê nghèo. Người đổ về đông như trẩy hội, mua bán đất như mua mớ rau, con cá ngoài chợ.
Những ngày sốt đất ở Bình Ba, đất sào (1.000 m2) đang có giá khoảng 600-700 triệu đồng/sào, trong khi đó đất mặt tiền quốc lộ 56 tăng lên 400-500 triệu đồng một mét ngang. Thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020, đất mặt tiền quốc lộ 56 qua địa bàn được rao với giá 70-80 triệu đồng một mét ngang, qua Tết, giá tăng vọt lên 200-300 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến hôm nay, tại Bình Ba, cảnh tranh mua, tranh bán, xe cộ tấp nập không còn. Trên quốc lộ 56, nếu như cách đây 1 năm trước, xe đậu kín đường thì nay vắng bóng “cò đất”. Ông Lê Văn Bình, môi giới người địa phương, dẫn chúng tôi một vòng xem các khu đất người dân đang rao bán với giá chỉ bằng 1/3 so với lúc sốt đất.
Theo ông Ngô Văn Luận, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng UBND huyện Châu Đức, đến nay, các văn phòng công chứng, văn phòng đất đai trong huyện chưa có con số giao dịch chính thống nào được thực hiện, nghĩa là toàn bộ giao dịch chỉ thực hiện trên giấy tờ tay với nhau và có tính chất đầu cơ chưa chính thức.
“Cò” bay người đợi
Ngày 3/3, chúng tôi trở lại huyện Hớn Quản, nơi sốt đất hơn 10 ngày qua. Thế nhưng, cảnh nhộn nhịp rao bán đất nơi đây đã không còn, lác đác vài người ngồi bên đường “chờ sung rụng”. Khu vực xã An Khương, Tân Lợi lại yên bình như trước. Thế nhưng, khi “cò” đã cất cánh bay đi, khắp nơi vẫn treo bảng rao bán đất.
Hệ lụy dễ thấy của những cơn sốt đất là nhà đầu tư ôm hận vì “cò đất”, chôn tiền vào đất suốt hàng chục năm như tại thành phố mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ở Nhơn Trạch, có hàng trăm dự án thành phần như Khu đô thị mới Đông Sài Gòn (941 ha), Phước An (150 ha), Sunflower (150 ha)... và hàng vài chục dự án khác có quy mô từ một vài đến vài chục hecta. Phần lớn dự án hình thành cách đây đã 10 năm nhưng đến nay, tỷ lệ lấp kín chỉ 2-3%. Thành phố mới Nhơn Trạch từng một thời thu hút giới đầu tư từ Bắc chí Nam, là tâm điểm của các cơn sốt đất những năm 2007-2008. Tuy nhiên, khi giá hạ nhiệt, Nhơn Trạch nay trơ lại hàng loạt dự án đã hoàn thiện về hạ tầng nội khu nhưng bị bỏ hoang.
Tại những dự án được giành nhau mua trước đây của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tập đoàn Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), Đệ Tam... nay lô nhô vài nóc biệt thự xây dở, trở thành bãi chăn thả gia súc. Dự án khu dân cư của Suzicorp có 40,95 ha ở xã Phước An và xã Long Tân có quy hoạch 1/500, được triển khai từ tháng 4/2009 nhưng đến nay vẫn chưa có hạ tầng. Ngoài con đường trải đá lổn nhổn và tấm pano vẽ phối cảnh, dự án trên chẳng có gì sau hơn 10 năm triển khai. Khu dân cư Phước An-Long Thọ của HUD với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng đã được phân lô, hoàn thiện về điện nước cũng chịu chung số phận bị bỏ hoang.
Bà Phan Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, cho biết, ngay sau khi xuất hiện “sốt đất” quanh khu vực quy hoạch sân bay, sớm nhận định dễ phát sinh hệ lụy, UBND huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Đất đai, yêu cầu thông tin rõ cho người dân được biết là việc xây dựng sân bay mới chỉ là đề xuất của tỉnh với Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty Asian Holding nói rằng, đặc điểm của những cơn sốt ảo là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc…
Tiền phong