Cảnh báo lợi dụng mua bán đất nông nghiệp
Giá đất tăng không ngừng nghỉ, nhiều dự án ở TP. Thủ Đức chục năm vẫn vắng bóng người; "Định danh" cho condotel, officetel: Địa phương nào sai thì phải làm lại; Tiếp tục bàn giao thêm 300ha đất xây dựng sân bay Long Thành; Cảnh giác việc ồ ạt mua bán đất nông nghiệp làm du lịch; Khách lùng mua, đất ven hồ ‘nóng’ hầm hập... là những thông tin nóng trong tuần qua.
Khách lùng mua, đất ven hồ "nóng" hầm hập
Thời gian gần đây, đất ven hồ tại Hà Nội và Hòa Bình lên cơn sốt khi được nhiều nhà đầu tư săn mua, nhiều nơi chỉ trong thời gian ngắn, giá đã tăng gấp đôi, gấp ba.
Theo khảo sát, đất ven mặt hồ Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội), cách đây hơn 1 năm giá 5-7 triệu đồng/m2, nhưng nay được đẩy lên 10 - 20 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí đầu hay cuối hồ. Tương tự, đất trên núi nhìn xuống hồ Đồng Đò trước đây có giá 2 - 5 triệu đồng/m2, hiện cũng tăng lên từ 7 đến hơn 10 triệu đồng/m2. Những vị trí xa hơn, cách hồ Đồng Đò khoảng 100m, mức giá cũng khoảng 1,8 - 3 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi đầu năm ngoái. Một số lô đất các khu vực gần hồ Anh Bé, Ban Tiện, Long Mỹ (xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) trước đây giá hơn 1 - 3 triệu đồng/m2, nay dao động trong khoảng 4 - 6 triệu đồng/m2.
Giá đất tăng không ngừng nghỉ, nhiều dự án ở TP. Thủ Đức chục năm vẫn vắng bóng người
TP. Thủ Đức là khu vực có giá đất tăng nhanh chóng mặt trong những năm gần đây. Nhiều dự án nhà đất tại thành phố này vừa ra mắt đã gây choáng bởi mức giá cao ngất ngưỡng. Cụ thể, một dự án nhà phố có quy mô khá lớn nằm dọc theo tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành (quận 2 cũ) đang được chào bán với mức giá có thể lên gần 400 triệu đồng/m2. Trong khi đó, mỗi căn biệt thự có diện tích từ 350 – 1.000m2 nằm trong quần thể đô thị trên đường Nguyễn Xiển (quận 9), giáp sông Đồng Nai đang được chào giá lên đến 300 tỉ đồng.
Khảo sát thực tế, dù giá đất liên tục tăng nhưng rất nhiều dự án đất nền tại TP. Thủ Đức lại vắng bóng người về ở. Thậm chí, có những dự án đã hình thành từ hơn 10 năm trước, cơ sở hạ tầng nội khu hoàn thiện nhưng đến nay vẫn hoang vắng, hạ tầng xuống cấp.
"Định danh" cho condotel, officetel: Địa phương nào sai thì phải làm lại
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, những loại hình bất động sản kể trên là các bất động sản sử dụng đa mục đích. Theo góc độ của luật Đất đai thì các loại hình này không vướng mắc gì.
“Tôi cho rằng, nếu quy hoạch là đất ở thì nó là đất ở vì đã có tiêu chí quy hoạch rõ ràng, đương nhiên thực hiện theo các thủ tục về đất ở. Nếu là đất thương mại dịch vụ thì cũng có tiêu chí riêng. Mỗi loại đất đều có cơ chế quản lý riêng, luật pháp đã quy định”, ông Hà nói và cho rằng các giao dịch mua các sản phẩm bất động sản kể trên dưới dạng hứa mua hứa bán, là hợp đồng dân sự về kinh tế, có kèm theo rủi ro và hệ lụy.
Tiếp tục bàn giao thêm 300ha đất xây dựng sân bay Long Thành
UBND huyện Long Thành vừa tổ chức bàn giao thêm 300ha đất thuộc khu vực 1.800ha giai đoạn 1 dự án sân bay quốc tế Long Thành. Trong đó, 1.500ha đã được bàn giao chính thức cho Cảng vụ hàng không miền Nam để giao lại cho các chủ đầu tư. Phần diện tích còn lại được bàn giao tạm để đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục.
Dự kiến ngày 23/3, Đồng Nai sẽ tiếp tục bàn giao thêm 300ha đất thuộc khu vực đất dôi dư (722ha). Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo tỉnh Đồng Nai tập trung hoàn thành bàn giao toàn bộ 1.810 ha và bàn giao 722 ha khu vực đổ đất dự trữ trong tháng 2/2022 như cam kết của địa phương. Đối với phần diện tích còn lại hoàn thành trước 30/6/2022. Phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào quý 1/2025.
Đà Nẵng: Cảnh giác việc ồ ạt mua bán đất nông nghiệp làm du lịch
Ngày 16-3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho hay đã giao UBND huyện Hòa Vang triển khai thông báo, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết 82 của HĐND TP về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Theo ông Trần Phước Sơn, Đà Nẵng chỉ triển khai 15 mô hình thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tại các mô hình thí điểm này cũng chỉ được xây dựng các công trình tạm, không được bồi thường thiệt hại về cơ sở vật chất khi chấm dứt mô hình thí điểm. Ông Sơn lưu ý các địa phương tránh để người dân, cò đất và các đối tượng lợi dụng chủ trương của TP nhằm môi giới, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái quy định.
Ngăn chặn phân lô bán nền tràn lan, Khánh Hòa ra quy định mới
Nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quy định mới về việc kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng (đối với khu vực đô thị) hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn (đối với khu vực nông thôn) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cẩn trọng đầu tư đất ''ăn theo'' Vành đai 4
Nhiều người môi giới nhà đất đã dựa vào thông tin về tuyến đường đi qua để quảng cáo trên mạng xã hội, đẩy giá đất trong khu vực lên cao. Tuy có một số người thu lợi lớn nhờ giá đất "ăn theo" quy hoạch, song các chuyên gia cũng cảnh báo cần cẩn trọng khi đầu tư.
Theo tờ trình UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8km, trong đó có 58,2km qua địa phận thành phố Hà Nội, từ km3+695 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc địa bàn xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), đến Khu đô thị Mê Linh (huyện Mê Linh) và từ Khu đô thị Mê Linh qua sông Hồng, kéo dài đến các huyện Đan Phượng, Hoài Đức
Hoàng An