Vay mua nhà, nên chọn ngân hàng theo tiêu chí nào để được lợi nhất?
Những người có dự định vay ngân hàng mua nhà cần lưu ý những gì và cần dựa trên những tiêu chí nào để chọn được ngân hàng có lợi nhất?
Việc sử dụng đòn bẩy tài chính một cách thông minh sẽ giúp nhiều người, đặc biệt là những người trẻ đến gần hơn với giấc mơ sở hữu một ngôi nhà.
Ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Uỷ viên Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Founder - Chủ tịch HĐQT Công ty CP King Broker đã đưa ra những lời khuyên bổ ích dành cho người vay tiền mua nhà trong chương trình “Có hẹn với chuyên gia bất động sản” #5.
Ông Tuấn Anh đưa ra dẫn chứng về một gia đình trẻ, chồng sinh năm 1989, vợ sinh năm 1992. Hai vợ chồng sau vài năm đi làm tích lũy được 300 triệu đồng, thu nhập hàng tháng khoảng 30 triệu. Họ đặt mục tiêu sẽ mua một căn chung cư giá 1,8 tỷ. Vì gia đình hai bên nội ngoại đều không có điều kiện và cũng lo ngại nếu đợi thêm 10 năm nữa, giá nhà sẽ ngày càng cao nên họ quyết định vay ngân hàng để mua nhà ngay.
Hai vợ chồng thực hiện phép tính, trong tổng thu nhập 30 triệu/tháng, chi phí sinh hoạt là 18 triệu, với 12 triệu còn lại, thay vì dùng để gửi tiết kiệm thì họ sẽ dùng để trả gốc và lãi hàng tháng khi vay ngân hàng mua nhà. Nhờ so sánh, cân nhắc kỹ khi lựa chọn ngân hàng, lên kế hoạch tài chính cụ thể, dành ra 40% thu nhập hàng tháng để trả nợ nên đến nay họ đã sở hữu được ngôi nhà của riêng mình.
Đưa ra lời khuyên cho người vay mua nhà, ông Tuấn Anh cho rằng, người vay cần trả lời 4 câu hỏi: Số tiền hiện có là bao nhiêu? Thu nhập hàng tháng thế nào? Chi phí sinh hoạt chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thu nhập? Vay trong bao lâu?
Việc trả lời chính xác những câu hỏi này sẽ giúp người vay đưa ra kế hoạch tài chính chi tiết nhất, vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống, vừa mua được nhà, tránh bị chậm trả lãi ngân hàng, dẫn đến bị phạt lãi quá hạn, bị liệt vào danh sách nợ xấu của ngân hàng trung ương.
Liên quan đến việc lựa chọn ngân hàng để vay mua nhà, ông Tuấn Anh cho biết, do các dự án đều phải có sự bảo lãnh của ngân hàng nên các ngân hàng thường làm việc với chủ đầu tư.
Người mua nhà nên vay tại ngân hàng vừa bảo lãnh dự án vừa có chương trình cho khách hàng vay. Khi đó, người mua có thể vay không lãi suất trong 18-24 tháng, hoặc thấp nhất là 12 tháng.
Trong trường hợp lựa chọn ngân hàng khác để vay, người vay cần dựa trên một số tiêu chí như lãi suất, mức phạt đáo hạn.
Trước tiên, người vay nên ưu tiên tiêu chí lãi suất, so sánh lãi suất giữa các ngân hàng để chọn ngân hàng có lãi suất thấp hơn.
Bên cạnh lãi suất, người vay cũng cần xem xét mức phạt đáo hạn trước hạn của các ngân hàng. Hiện có những ngân hàng lãi suất cao nhưng mức phạt khá thấp, chỉ khoảng 2%. Trong khi đó, có ngân hàng dù lãi suất thấp hơn không nhiều nhưng mức phạt đáo hạn có thể lên đến 4%. Những người có thu nhập cao có thể ký hợp đồng vay dài hạn nhưng nếu có thể dứt điểm hợp đồng sớm hơn thì cần tính toán số tiền phải nộp theo các phương án để đưa ra so sánh. Ngân hàng tối ưu hơn là ngân hàng có số tiền lãi phải trả ít hơn.
Ông Tuấn Anh cũng đưa ra lưu ý về chi phí khi mua nhà, đó là ngoài khoản tiền nhà mà người mua phải đóng còn có các chi phí cố định khác như phí bảo trì, lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ. Trong đó:
Phí bảo trì = Giá 1m2 x Diện tích x Thuế suất 2%
Lệ phí trước bạ = Giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ x Mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%)
Lệ phí thẩm định hồ sơ = 0,15% giá trị tài sản (Theo Thông tư 02/2014/TT-BTC và Thông tư liên tịch 62/2013/TTLT-BTC-BTP, với mọi trường hợp lệ phí này không được vượt quá 5.000.000 đồng).
Những vấn đề xoay quanh câu chuyện vay tiền mua nhà như nên vay bao nhiêu tiền để không bị nợ “ngập đầu”, cách tính số tiền phải trả hàng tháng, tính tổng thu nhập… cũng đã được ông Tuấn Anh chia sẻ cụ thể
Khánh Trang