Thị trường cho thuê “trồi sụt” cùng dịch bệnh
Thị trường nhà trọ cho thuê Hà Nội mới khởi sắc trở lại trong nửa cuối năm 2020 thì lại tiếp tục trải qua giai đoạn ảm đạm hiu hắt mới do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2021. Nhiều bảng treo thuê nhà tại nhiều địa điểm ở Hà Nội buồn hiu hắt không ai ngó ngàng, những căn phòng bỏ trống từ trước Tết vẫn chưa có người thuê.
Thời điểm sau Tết năm 2020, các “thiên đường” nhà trọ dành cho công nhân, sinh viên ở Hà Nội như Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng, Nhân Mỹ, Tân Mỹ (Nam Từ Liêm), Bùi Xương Trạch, Triều Khúc (Thanh Xuân), Nhổn, Diễn (Bắc Từ Liêm)… đều hiu hắt do dịch bênh Covid-19 xuất hiện. Khi đó, các ngõ ngách nhan nhản các bảng treo thuê nhà nhưng người hỏi thuê gần như không có hoặc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giá thuê thời điểm đó đều giảm 10-20%, thậm chí 30% so với cùng kì năm trước đó nhưng dù giá giảm nhưng tỉ lệ lấp đầy không đáng kể.
Tình trạng khó khăn này kéo dài đến giữa năm 2020, khi dịch bệnh được kiểm soát và khống chế, thị trường nhà trọ cho thuê Hà Nội bắt đầu ấm trở lại. Lượng sinh viên, công nhân, lao động tự do bắt đầu trở lại thủ đô. Giá thuê với phân khúc chung cư mini, nhà trọ tầm trung, dao động từ 1,8-2,5 triệu đồng/căn/tháng ở các khu vực Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu, đường Cầu Giấy, Trần Thái Tông (Cầu Giấy) Nguyễn Trãi, Phùng Khoang, Hạ Đình, Khương Đình, Thượng Đình, Triều Khúc (Thanh Xuân), Đình Thôn, Trung Văn, Mễ Trì, Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), Định Công (Hoàng Mai) phục hồi nhanh nhất. Thời điểm giữa năm 2020, giá thuê bắt đầu tăng nhẹ so với mức giá giảm vì dịch trước đó hoặc thiết lập lại được mức giá cũ của năm ngoái. Tuy nhiên, phân khúc nhà trọ cho công nhân, người lao động tự do và phân khúc cao cấp tại các khu vực trên phần lớn vẫn duy trì mức giảm 10-20% so với trước dịch cho đến thời điểm hiện tại là sau Tết của năm 2021.
Đơn cử một số dãy nhà trọ hướng tới công nhân, người lao động tự do tại Mễ Trì, Trung Văn, Tân Mỹ, Nhân Mỹ (Nam Từ Liêm) Bùi Xương Trạch, Phùng Khoang, Triều Khúc (Thanh Xuân) vào năm 2019 có giá thuê dao động từ 1,2-1,8 triệu đồng/căn/tháng thì từ năm 2020 mức giá mới thiết lập là 1-1,5 triệu đồng/căn/tháng. Ông Nhật Anh, chủ 2 dãy nhà trọ tại Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân) cho biết năm 2018, giá các căn nhà trọ này ông cho thuê mức 1 triệu đồng/căn/tháng. Do hướng tới đối tượng công nhân, người thu gom ve chai, buôn bán hàng rong từ các tỉnh nên ông không quá đầu tư dãy nhà trọ và cho thuê mức giá rẻ. Kể từ khi dịch bùng vào năm 2020, lượng công nhân thất nghiệp gia tăng, số lượng người dân ngoại tỉnh dạt về Hà Nội mưu sinh giảm nên lượng người thuê sụt giảm mạnh so với các năm trước, để hút khách, ông buộc phải giảm giá thuê xuống mức 700.000-800.000 ngàn đồng/căn/tháng.
Ông đang mong năm 2021 dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, kinh tế khởi sắc, ông sẽ phá bỏ 1 dãy nhà trọ chuyển sang xây dãy phòng có mức giá tầm trung, từ 2-3 triệu đồng/căn/tháng. Ông cho rằng dù dịch bệnh, đối tượng sinh viên, người đi làm văn phòng, các gia đình nhỏ vẫn có khả năng chi trả tầm tiền này. Phân khúc nhà trọ tầm trung sẽ ít chịu biến chuyển mạnh khi kinh tế biến động mạnh như phân khúc giá cao cấp.
Riêng phân khúc cao cấp là những căn phòng hoặc những căn hộ có diện tích 20-40m2 được gọi dưới cái tên chung cư mini có đầy đủ đồ đạc với mức giá thuê từ 4.5-8 triệu đồng/tháng tại nhiều nơi vẫn duy trì mức giảm phổ biến 10-20% so với năm 2019 để giữ được khách. Tuy nhiên, tỉ lệ lấp đầy chỉ dao động 70-80% thay vì mức trên 90% như thời điểm chưa có dịch. Chị Phùng Thoa, chủ một chung cư mini ở Thanh Xuân cho biết do Covid-19, thu nhập người dân giảm sút, nhiều người thay vì thuê nhà đắt đã chuyển sang mức giá thuê mềm hơn.
Thời điểm sau Tết những năm chưa có dịch, người ngoại tỉnh đổ về Hà Nội đông đảo bắt đầu hành trình mưu sinh. Khu vực nhà trọ trung tâm thủ đô, gần các trường đại học, các khu văn phòng, công sở luôn được săn lùng. Nhưng từ năm ngoái, thị trường này đã trầm xuống. Đặc biệt, không ít nhà đầu tư đổ tiền vào phân khúc cao cấp, đặc biệt là phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng vẫn đang có tâm trạng “bất ổn” trước những diễn biến khó lường của đại dịch.
Duy Bách