Quy hoạch đất ở hỗn hợp và đất ở xây dựng mới 'làm khổ' người dân

Ban nội dung
Được đăng bởi LandInfo
Nội dung

    Gần 3 năm triển khai, các quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.HCM tồn tại nhiều bất cập, một trong số đó là không cho phép tách thửa đất thuộc quy hoạch đất ở hỗn hợp và đất ở xây dựng mới. 

    Quản lý đất đai không theo kịp thực tế 

    Quyết định số 60/2017 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa (Quyết định 60) trên địa bàn TP.HCM có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Nhưng khi triển khai vào thực tế, quyết định này đã có nhiều bất cập, ảnh hưởng đến nhu cầu tách thửa đất chính đáng của người dân. 

    Ông Nguyễn Hoàng khoa (ngụ Q.9) cho hay, ông có mảnh đất tại P.Trường Thạnh, Q.9. Trước đây chỉ cho phép tách thửa khi đã có nhà nhưng Quyết định 60 đã không còn quy định này. Đây là điều đáng mừng vì giải quyết được nhu cầu mua bán, tặng cho quyền sử dụng đất cho người dân. 

    Khi Quyết định 60 có hiệu lực, ông Khoa nộp hồ sơ xin tách thửa và mở đường vào khu đất nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Lý do quận đưa ra là khu đất của ông thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, không được phép tách thửa..

     

    Quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa ở TP.HCM bộc lộ nhiều bất cập.

    Cũng gặp vướng mắc vì Quyết định 60, theo bà Vũ Thị Thanh Hà (ngụ Q.Thủ Đức), gia đình bà có mảnh đất 150m2 ở đường 34, P.Linh Đông. Từ năm 2017, bà muốn tách thửa khu đất để cho con cái nhưng không được giải quyết vì thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới. 

    Vì không được tách thửa nên tôi xin phép xây nhà cho thuê để giải quyết kinh tế gia đình. Nhưng khi tôi nộp hồ sơ xin phép xây dựng, địa phương trả lời chỉ cấp phép xây dựng tạm, trong khi các hộ dân lân cận đều được cấp phép xây dựng chính thức”, bà Hà nói. 

    Ngoài ra, gia đình bà Hà còn có một mảnh đất mặt tiền đường Tam Bình, Q.Thủ Đức, được cấp sổ năm 2013. Khu vực này chỉ duy nhất mảnh đất của bà Hà chưa xây dựng nhà. Vừa qua, bà Hà xin cấp giấy phép xây dựng thì UBND Q.Thủ Đức chỉ cấp giấy phép xây dựng tạm quy mô 1 trệt 2 lầu, trong khi các căn nhà lân cận được xây 3 tầng lầu. 

    Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội TP.HCM (HoREA), hai quyết định về diện tích tối thiểu được tách thửa của Thành phố trước đây chỉ cho phép tách thửa đất ở nông thôn và đất ở đô thị. Tuy nhiên có thực trạng, nhiều khu đất hiện là khu dân cư ổn định trên dưới 40 năm ở các quận nội thành nhưng khi đăng đất đai vẫn là đất lúa, đất trồng cây ngắn ngày. 

    Đơn cử như căn nhà tồn tại 50 năm tại khu chợ Cầu, Q.12, đây là khu dân cư ổn định. Tổng diện tích khuôn viên căn nhà ghi trong sổ đỏ là 1.100m2, nhưng khi làm thủ tục đăng ký đất đai, chủ nhà chỉ được quận cấp 500m2 đất ở, 600m2 còn lại là đất trồng cây ngắn ngày. Như vậy, công tác quản lý đất đai không theo kịp thực tế. 

    Chủ tịch HoREA cho rằng, Luật Đất đai chỉ quy định tách thửa đất ở nông thôn và đất ở đô thị, không nói đến các loại đất khác. Vì các tỉnh thành có nhu cầu xử lý tách thửa cho các loại đất khác nên Nghị định 01/2017 bổ sung, sửa đổi một số điều Nghị định 43/2014 của Chính phủ đã giải quyết vấn đề này. 

    Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 60. Mặc dù cơ bản đã ngăn chặn tình trạng đầu nậu “núp bóng” chủ đất để phân lô bán nền tràn lan, thế nhưng Quyết định 60 bộc lộ bất cập khi không cho phép tách thửa đất thuộc khu vực quy hoạch đất ở hỗn hợp và đất ở xây dựng mới.

    Sắp có dự thảo sửa đổi quy định tách thửa  

    Theo Chủ tịch HoREA, trong các loại đất được phân loại, Luật đất đai không đề cập đến đất ở hỗn hợp và đất ở xây dựng mới. Ngoài ra, Luật Xây dựng và Luật quy hoạch đô thị cũng không hề có khái niệm về hai loại đất này.  

    Do đó, theo ông Châu, khi sửa đổi Quyết định 60, UBND TP.HCM nên xem xét bỏ khái niệm đất ở hỗn hợp và đất ở xây dựng mới khi giải quyết tách thửa đất cho người dân. Quyết định 60 có hiệu lực gần 3 năm nay, nên cần giải quyết nhanh, không thể “treo” quyền lợi của người dân lâu hơn nữa. 

    Để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan, ông Châu cho rằng với những khu đất diện tích lớn khi cho phép tách thửa nên buộc thực hiện theo dự án đầu tư. Bởi có trường hợp thửa đất vài hecta nhưng vẫn được phân lô bán nền là điều rất phi lý. 

     

    Ông Huỳnh Trịnh Phong – Trưởng Phòng Quản lý thực hiện quy hoạch, Sở QH-KT TP.HCM.

    Ông Huỳnh Trịnh Phong – Trưởng Phòng Quản lý thực hiện quy hoạch, Sở QH-KT TP.HCM cho biết, quy hoạch khu vực đất ở hỗn hợp và đất ở xây dựng mới được Thành phố lập trước khi Luật Quy hoạch đô thị ra đời. Đến năm 2013, Thành phố phủ kín quy hoạch đất đô thị. 

    Hiện Sở QH-KT đang rà soát để điều chỉnh, đề nghị các quận huyện báo cáo cụ thể từng vị trí, mật độ dân số như thế nào? Từ đó, các quận huyện căn cứ vào tình hình thực tế để đề xuất, Sở QH-KT sẽ thẩm định và trình UBND Thành phố điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp”, ông Phong nói. 

    Về quy định tách thửa theo Quyết định 60, đại diện Sở QH-KT cho rằng, Sở chỉ góp ý “đề nghị không cho tách thửa đối với những trường hợp không thuộc quy hoạch đất xây dựng nhà ở”, và không hề đề cập đến khái niệm đất ở hỗn hợp và đất ở xây dựng mới.

     

    Ông Dư Huy Quang – Trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM cho biết, dự kiến trong tháng này Sở sẽ hoàn thành dự thảo sửa đổi Quyết định 60. 

    Theo ông Dư Huy Quang – Trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM, những vướng mắc người dân gặp phải về điều kiện tách thửa của Quyết định 60 liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác nhau, không chỉ riêng Luật Đất đai mà còn có Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng. 

    Sở TN&MT ghi nhận các ý kiến đóng góp và sẽ cố gắng hoàn thành dự thảo sửa đổi Quyết định 60 trong tháng này để lấy ý kiến của các sở ngành và UBND quận huyện, sau đó sẽ trình UBND Thành phố phê duyệt. Quyết định sửa đổi hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu tách thửa của người dân, đồng thời nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước về phát triển đô thị”, ông Quang chia sẻ

    Theo: vietnamnet.vn

     

     
    Chia sẽ (FB, Zalo)

    Tin tức nhiều người xem

    Tin tức liên quan

    Nội dung
      Phản hồi - Góp ý