Khởi động tuyến giao thông quan trọng
Ngày 12/3, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Ban quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú. Cách đó một tuần, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đây là 2 cao tốc thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Hai dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc sẽ giúp phương tiện di chuyển từ Tp. HCM đến Đà Lạt chỉ 3 giờ đồng hồ, đây là khoảng cách di chuyển lý tưởng để kết nối và thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 địa phương này.
Theo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài 67 km, đi qua tỉnh Đồng Nai (huyện Tân Phú) khoảng 11 km và tỉnh Lâm Đồng khoảng 56 km. Điểm đầu kết nối với dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, điểm cuối tại km126, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn một khoảng 16.408 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước và địa phương là 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 9.908 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết tuyến cao tốc Dầu Giây đến Liên Khương là ước mơ của người dân tỉnh Lâm Đồng nhiều năm nay. Các đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc hoàn thành sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng, rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp.HCM đến Đà Lạt chỉ 3 giờ thay vì trên 6 giờ như hiện nay. Tuyến cao tốc cũng sẽ giảm tải cho quốc lộ 20.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã giao các cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo các đoạn: Dầu Giây - Tân Phú dài 60 km, Tân Phú - Bảo Lộc 67 km, Bảo Lộc - Liên Khương dài 73 km, đề xuất sử dụng một phần vốn hỗ trợ của nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Như vậy, với các tuyến cao tốc này sẽ là lực đẩy rất lớn cho sự phát triển của Lâm Đồng, trong đó thị trường BĐS dự báo sẽ được hưởng lợi rõ nét. Thời gian qua, nhiều NĐT đã vào thị trường Bảo Lộc (Lâm Đồng) để đón đầu xu hướng hạ tầng giao thông. Nhiều Tập đoàn lớn như Hưng Thịnh, Văn Phú, Him Lam, Happy House, Việt Nhật…là những tên tuổi BĐS đã đặt chân đến thị trường này, phát triển các dự án trong tương lai, cho thấy, tiềm năng của thị trường này còn rất lớn.
Đất nền dưới 1 tỉ đồng vẫn là của để dành của NĐT vốn ít
Hiện nay rất khó tìm kiếm nền đất với giá dưới 1 tỉ đồng tại thị trường ven Tp.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, với thị trường Tp.HCM lại càng khó hơn. Thậm chí có trong tay 2 tỉ đồng cũng rất khó khăn để tìm được BĐS Tp.HCM ở giai đoạn này. Nhiều NĐT có số vốn ít dưới 1 tỉ đồng bắt đầu xu hướng dịch chuyển ra vùng thị trường còn tiềm năng phát triển. Một số khu vực như Bình Phước, Bảo Lộc (Lâm Đồng)… nằm trong sự lựa chọn của nhiều NĐT có vốn ít, nhàn rỗi. Yếu tố hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện trong tương lai đang tạo lực đẩy lớn cho thị trường BĐS Bảo Lộc hiện nay, trong đó, phân khúc đất nền dưới 1 tỉ đồng hút sự quan tâm của NĐT các khu vực.
Anh Ng, Trưởng phòng một ngân hàng tại Tp.HCM, sau khi đầu tư đất nền ở một số khu vực như Q.9, Nhơn Trạch (Đồng Nai), mới đây anh Ng chia sẻ, sẽ chuyển dòng tiền một phần đầu tư tại Bảo Lộc. Hiện đang trong quá trình tìm hiểu dự án. Do khu vực này giá còn mềm, cứ để dòng tiền nhàn rỗi đó tầm vài năm, khi hạ tầng giao thông tốt lên chắc chắn sẽ sinh lợi.
Quả thực, hiện nay nhiều NĐT có dòng tiền nhàn rỗi, thay vì dồn trứng vào một giỏ, họ bắt đầu phân bổ dòng tiền đi các thị trường tỉnh, nơi có các thông tin tốt về hạ tầng giao thông để đón đầu. Trong đó, ưu tiên của đa số NĐT này vẫn là phân khúc đất nền. Với tâm lý "ăn chắc mặc bền", làm của để dành, đây vẫn là loại hình được giới đầu tư ưa chuộng. Với số vốn dưới 1 tỉ đồng, một số khu vực như Bảo Lộc, Đồng Xoài hay Đắc Lắc…đang rơi vào tầm ngắm của NĐT. Họ xác định, cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận ở loại hình đất nền vẫn tốt trong tương lai.