Vay mua nhà ở xã hội: Điều kiện, thủ tục và các đối tượng được áp dụng

Ban nội dung
Được đăng bởi LandInfo
Nội dung

    Hiện nay, nhiều gia đình có mức thu nhập trung bình thấp nhưng vẫn mua được nhà ở trung tâm. Giải pháp được họ lựa chọn khi không thể xoay sở đủ tiền là vay mua nhà ở xã hội. Vậy những đối tượng nào đủ điều kiện xét duyệt phương án vay này, hồ sơ và thủ tục vay mua nhà ở xã hội ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau.

    1. Cho vay mua nhà ở xã hội là như thế nào?

    Tại nước ta, đa số người lao động hoặc công nhân, viên chức có thu nhập trung bình thấp đều chưa biết đến các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội. Để giúp các bạn độc giả tiếp cận gần hơn với mô hình cho vay này, trước tiên, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về một số khái niệm cơ bản sau.

    Đôi nét về mô hình nhà ở xã hội ở nước ta

    Về cơ bản, nhà ở xã hội là kiểu nhà ở được tung ra thị trường bất động sản với mức giá ưu đãi hơn so với các dự án nhà ở thương mại thông thường. Đây là những dự án thuộc sở hữu cũng như quyền quản lý của các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phi lợi nhuận. 

    vay-nha-o-xa-hoi
    Một cụm nhà ở xã hội tại Gia Lâm, Hà Nội

    Tuy nhiên, không phải tất cả các công dân đều đủ điều kiện để được đăng ký mua loại nhà này. Nhóm đối tượng được mô hình nhà ở xã hội hướng đến chủ yếu là công dân thuộc chính sách ưu tiên trong xã hội, do Nhà nước quy định và đặc biệt là công dân có hoàn cảnh khó khăn.

    Đặc điểm của nhà ở xã hội nói chung thường bao gồm các tiêu chí như sau:

    - Là dạng nhà ở đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn chung về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tương ứng với từng khu vực, vùng miền.

    - Nhà ở xã hội phải nằm trong một chung cư hoặc thuộc mô hình nhà ở từ 5 - 6 tầng.

    - Diện tích tối đa của một căn nhà ở xã hội là 70m2/sàn và diện tích tối thiểu là 30m2/sàn. Ngoài ra, nhà cần được hoàn thiện theo đúng quy định tương đương đối với cấp, hạng nhà ở do Nhà nước quy định.

    Tổng quan về chương trình vay mua nhà ở xã hội 

    Hỗ trợ nguồn vốn vay giúp công dân mua được mô hình nhà ở xã hội là gói vay được Nhà nước phê chuẩn cho các ngân hàng thương mại cũng như các tổ chức tín dụng cung ứng cho công dân. Gói vay này được áp dụng cho người lao động có thu nhập thấp. Đặc biệt, dạng thức cho vay này còn hỗ trợ người vay tiếp cận được với mục đích mua, chuyển nhượng nhà ở xã hội một cách dễ dàng hơn.

    Một số đặc điểm của gói vay mua nhà ở xã hội

    Hiện nay các gói vay tiền hỗ trợ mua nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất phê chuẩn đều có chung một số đặc điểm như sau:

    - Thời hạn tùy theo khả năng cũng như nguyện vọng của công dân, tuy nhiên cần dao động trong khoảng thời gian từ 5 - 25 năm.

    - Lãi suất của các gói vay cần tuân theo quy định chung của Ngân hàng Nhà nước cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

    - Hạn mức cho vay tối đa là 90% tổng giá trị căn hộ/mô hình nhà ở xã hội cụ thể.

    - Các gói vay này chỉ có thể áp dụng với một nhóm đối tượng theo quy định hiện hành. Ngoài ra, người đi vay cần đáp ứng đủ các điều kiện đi kèm cũng như hoàn thiện hồ sơ cần thiết.

    2. Đối tượng vay mua nhà ở xã hội là ai?

    Như đã đề cập ở trên, không phải tất cả công dân đều có thể tiếp cận với các gói vay để mua nhà ở xã hội. Các đối tượng mà gói vay này hướng đến đã được quy định cụ thể tại các Khoản 1, 4, 5, 6, 7, Điều 49 Luật Nhà ở nước ta. Nhóm đối tượng này bao gồm:

    - Người có công với Cách mạng đã được Đảng hoặc Nhà nước công nhận và vẫn đang được Pháp luật cho phép nhận các ưu đãi dành riêng cho đối tượng này.

    - Cá nhân hoặc hộ gia đình có thu nhập thấp, thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo tại các khu vực là đô thị trong nước.

    - Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp và các tổ chức tương đương.

    - Các sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân cấp chuyên nghiệp, công nhân đang phục vụ tại các đơn vị thuộc quyền quản lý của lực lượng Công an Nhân dân hoặc Quân đội Nhân dân.

    - Các cán bộ, công chức, viên chức đã được Nhà nước công nhận và được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định chung.

    3. Điều kiện vay mua nhà ở xã hội

    Mô hình nhà ở xã hội ở nước ta vẫn đang được xây dựng và phát triển nên số lượng chưa đáp ứng được cho nhu cầu chung của toàn dân. Vì lý do này mà Nhà nước đã nghiên cứu và ban hành các quyết định liên quan đến việc ưu tiên một số đối tượng tiếp cận với gói vay trước. Hiện nay, các điều kiện đang được áp dụng cho các gói vay này bao gồm:

    - Công dân chưa có nhà ở chính thức, là nhà ở tạm bợ hoặc có nhà ở nhưng tính diện tích bình quân đầu người trong hộ gia đình là dưới 8m2/người. Ngoài ra, công dân này cũng chưa được Nhà nước hỗ trợ về vấn đề nhà ở dưới mọi hình thức.

    - Công dân phải có hộ khẩu thường trú hoặc đã đăng ký tạm trú tại các tỉnh, thành phố muốn đăng ký tham gia mua dự án nhà ở xã hội. Bản thân công dân cần thực hiện đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 1 năm tại đây.

    - Khi thực hiện mua nhà ở xã hội, công dân thanh toán lần đầu 20% giá trị căn nhà.

    - Công dân nếu thỏa mãn các điều kiện nêu trên cần có xác nhận chính thức từ Uỷ ban Nhân dân phường, xã hoặc tương đương tại nơi đang cư trú. Đối với các lao động thu nhập thấp được miễn trừ thuế thu nhập thì cần có thêm giấy công nhận đạt chuẩn nghèo từ Thủ tướng Chính phủ.

    Ngoài nhóm điều kiện cần như quy định chung, công dân muốn vay mua nhà ở xã hội còn cần đáp ứng được một số điều kiện đủ như sau:

    - Nếu công dân thực hiện vay vốn mua nhà tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì cần thực hiện gửi tiết kiệm tại đây trong thời gian ít nhất 6 tháng. Lưu ý, số dư tiền gửi này cần ngang bằng hoặc hơn phần vốn tối thiểu mà công dân tự chuẩn bị để mua nhà ở xã hội. Đây là điều kiện để Ngân hàng đảm bảo công dân có thể thanh toán đúng số tiền cần thiết theo hợp đồng mua bán nhà ở sắp ký kết với chủ đầu tư.

    - Nếu công dân không thực hiện vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì cần có đủ số vốn tối thiểu để tham gia vay tại các Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đã được Nhà nước phê chuẩn.

    - Cung cấp được đầy đủ hồ sơ cần thiết theo quy định cụ thể tại Điều 22, Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

    - Chứng minh được nguồn thu nhập hàng tháng hoặc khả năng trả nợ đúng hạn theo cam kết với Ngân hàng hoặc Tổ chức tín dụng.

    - Có giấy đề nghị vay vốn với đầy đủ chữ ký cam kết của các thành viên trong hộ gia đình là chưa được vay vốn hỗ trợ tại bất cứ Ngân hàng thương mại nào để mua nhà ở xã hội.

    - Có hợp đồng mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo đúng quy định hiện hành của Luật Nhà ở.

    - Công dân thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến đảm bảo tiền vay theo quy định cụ thể của từng Ngân hàng. Nếu công dân vay vốn và thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn cho vay thì cần ký thêm thoả thuận về vấn đề quản lý hoặc xử lý tài sản này trong quá trình trả nợ.

    - Nếu công dân vay tiền thực hiện thêm hoạt động cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở xã hội thì cần bổ sung thêm thiết kế, dự toán hoặc giấy phép xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    4. Hồ sơ vay mua nhà ở xã hội gồm những gì?

    Để đảm bảo tính công bằng và khách quan, công dân trước khi được hỗ trợ vốn vay để mua nhà ở xã hội cần chứng minh được bản thân đáp ứng đủ điều kiện cần và đủ. Cụ thể, công dân sẽ phải hoàn thiện một số dạng hồ sơ theo quy định của nhà nước. Các loại hồ sơ đó chính thức bao gồm:

    - Hồ sơ chung: Đây là dạng hồ sơ cơ bản mà mọi đối tượng vay vốn đều phải xuất trình được.

    - Đơn đăng ký mua nhà ở xã hội theo mẫu hiện hành.

    - Chứng minh thư nhân dân của người thực hiện vay vốn mua nhà (lưu ý cần 03 bản photo có chứng thực).

    - Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đối với người chưa kết hôn và giấy đăng ký kết hôn đối với người đã lập gia đình (cần 03 bản photo có chứng thực).

    - Ảnh người vay vốn và các thành viên trong hộ gia đình đó (ảnh cỡ 3x4 và mỗi người cần nộp 03 ảnh).

    - Hồ sơ chứng minh thuộc nhóm đối tượng được hưởng gói vay mua nhà ở xã hội. Bộ hồ sơ này thường là Giấy xã nhận đối tượng có thể cho vay vốn cũng như thực trạng nhà ở. Hồ sơ này gồm các tài liệu hợp lệ theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP).

    - Hồ sơ xác nhận điều kiện cư trú:

    + Nếu người vay mua nhà ở xã hội đã đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu vực này đang có mô hình nhà ở xã hội thì cần có bản sao chứng thực của hộ khẩu/giấy đăng ký hộ khẩu tập thể.

    + Trong trường hợp người vay mới chỉ đăng ký tạm trú thì cần cung cấp giấy chứng thực việc đã đăng ký tạm trú, đã đóng bảo hiểm xã hội và hợp đồng lao động tại địa phương.

    - Hồ sơ chứng minh thu nhập: Do các đối tượng được phép vay mua nhà ở xã hội cần là nhóm đối tượng có thu nhập thấp nên bản thân người vay cần chứng minh thu nhập hợp pháp của bản thân. Hồ sơ này bao gồm:

    - Giấy xác nhận việc người vay không phải đóng thuế thu nhập thường xuyên do đơn vị/doanh nghiệp/nơi công tác cấp.

    - Tự kê khai mức thu nhập của bản thân theo mẫu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin đã khai.

    5. Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội hiện nay là bao nhiêu

    Có thể nói lãi suất là vấn đề mọi người quan tâm và băn khoăn hàng đầu khi có ý định chọn sử dụng các gói vay để mua nhà ở xã hội. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau thời gian nghiên cứu đã công bố quyết định cụ thể liên quan đến mức lãi suất này. 

    Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định số 2195/QĐ-NHNN chỉ định lãi suất các Ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2021 đối với các gói vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm.

    Từ ngày 1/1/2021, quyết định trên sẽ chính thức có hiệu lực. Nếu so sánh với mức lãi suất của các năm trước đó thì hiện nay người dân đang có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay mua nhà có lãi suất giảm 0,2%.

    6. Các Ngân hàng cho vay mua nhà ở xã hội hiện nay

    Chủ trương của Nhà nước là hỗ trợ tối đa cho người lao động có cơ hội sở hữu nhà ở. Vì lý do này mà hiện có khá nhiều Ngân hàng thương mại cũng như các tổ chức tín dụng công bố gói vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nếu bạn đang có nhu cầu vay vốn thì nên tham khảo danh sách các Ngân hàng dưới đây. Nhiều chuyên gia trong ngành đã đề xuất 5 ngân hàng lớn chuyên hỗ trợ vốn vay mua nhà, được nhiều người dân tin chọn:

    • Ngân hàng Chính sách xã hội.
    • Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
    • Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
    • Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
    • Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank).

    Mỗi Ngân hàng đều sẽ áp dụng các chính sách cho vay cũng như các gói vay khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản người vay có thể tham khảo một số đặc điểm vay như sau:

    - Cần nộp đủ hồ sơ chứng minh nhóm đối tượng có thể vay vốn, hiện trạng nhà ở cũ, mức thu nhập bình quân và giấy tờ cư trú tại địa phương. Tại một số Ngân hàng, nhân viên sẽ hướng dẫn người vay chứng minh nguồn thu nhập hoặc thế chấp tài sản để đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn như đã cam kết từ trước với các ngân hàng.

    - Người vay mua nhà ở xã hội cần có số vốn tối thiểu tương đương 20% giá trị hợp đồng mua nhà hoặc 30% đối với trường hợp xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở.

    - Thực hiện gửi tiết kiệm tại các Ngân hàng kể trên với số dư tiết kiệm bằng số vốn ban đầu hoặc bằng mức nợ phải trả hàng tháng trong một khoảng thời gian nhất định.

    7. Các bước vay mua nhà ở xã hội (tham khảo tại Ngân hàng Chính sách xã hội)

    Khi công dân có nhu cầu tiếp cận với các gói vay vốn, nhân viên tại các Ngân hàng sẽ hướng dẫn trình tự, thủ tục cụ thể. Để các bạn độc giả hình dung rõ hơn quy trình này, chúng ta sẽ tham khảo các bước vay vốn chính tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay:

    Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ cá nhân

    Bước chuẩn bị hồ sơ cá nhân là bước do bản thân người vay tự thực hiện, trong một số trường hợp nhân viên Ngân hàng có thể hỗ trợ chỉ dẫn hoặc giải đáp thắc mắc cụ thể. 

    Thông thường, các loại giấy tờ như Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu, giấy xác nhận đối tượng vay, chứng minh thu nhập, điều kiện cư trú đều cần công chứng và thời hạn công chứng không quá 6 tháng. Bản thân người vay cũng nên chuẩn bị bản sao chứng thực của Hợp đồng mua bán nhà ở xã hội hoặc giấy tờ chứng minh đóng tiền cho chủ đầu tư.

    Bước 2: Tiến hành làm thủ tục cho vay

    Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng sẽ tiếp nhận hồ sơ của người vay và thực hiện các bước xác minh hồ sơ từ Cán bộ Tổ dân phố hoặc người đại diện tổ chức chính trị - xã hội đã được nhận uỷ thác từ xã, phường, thị trấn. Uỷ ban Nhân dân các phường, xã sẽ xác nhận lại với Ngân hàng bằng danh sách người đủ điều kiện vay vốn.

    Thời gian thẩm định hồ sơ trung bình khoảng 5 ngày làm việc (không tính ngày lễ, Tết) và sau đó sẽ trả kết quả phê duyệt đến tay người vay. Nếu người vay đủ điều kiện thì Ngân hàng nơi cho vay, người vay và chủ đầu tư sẽ tiến hành ký hợp đồng 3 bên. Đây là dạng hợp đồng tín dụng, có thể thế chấp tài sản cũng như thực hiện thêm các cam kết đảm bảo thực hiện giao dịch theo quy định của Pháp luật.

    Bước 3: Ký kết hợp đồng

    Người vay mua nhà ở xã hội sẽ được thông báo ngày, giờ đến Ngân hàng để thực hiện ký kết hợp đồng. Khi tới Ngân hàng, công dân cần xuất trình được tất cả bản gốc của giấy tờ cá nhân cũng như giấy chứng minh đã đóng tiền cho chủ đầu tư hoặc hợp đồng mua nhà ở.

    Người vay sẽ phải tiến hành nộp tiền trả Ngân hàng như thoả thuận đã cam kết trong hợp đồng. Việc này sẽ cần thực hiện ngay từ tháng tiến hành ký hợp đồng tín dụng.

    8. Một số lưu ý khi vay mua nhà ở xã hội

    Tuy nhà ở xã hội là sự lựa chọn tối ưu cho người lao động có thu nhập thấp nhưng bản thân mô hình này vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Khi công dân quyết định sử dụng gói vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội thì nên nắm rõ một số điểm đáng lưu ý như sau:

    - Thứ nhất, vì diện tích nhà ở xã hội tối đa chỉ là 70m2 nên đây sẽ là hạn chế lớn đối với các gia đình có nhu cầu sinh hoạt tại căn hộ có diện tích rộng.

    - Thứ hai, chủ sở hữu nhà ở xã hội không thể thế chấp nhà với bất cứ bên nào khác trừ trường hợp thế chấp nhà cho Ngân hàng cho vay mua nhà ở xã hội.

    - Nhà ở xã hội cũng không được chuyển nhượng dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu 5 năm kể từ ngày mua.

    - Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất gói vay thông thường.

    Hà Linh

    Chia sẽ (FB, Zalo)

    Tin tức nhiều người xem

    Tin tức liên quan

    Nội dung
      Phản hồi - Góp ý