Tạo cơ chế mở để giải quyết việc thừa nhà ở xã hội

Ban nội dung
Được đăng bởi LandInfo
Nội dung
    Khu nhà ở xã hội tại Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

    Nhu cầu mua nhà xã hội là rất lớn

    Ra Thủ đô sinh sống và lập nghiệp, ai cũng mong muốn tìm được một ngôi nhà để ở nhưng đối với nhiều gia đình thu nhập thấp, điều này khá xa vời với họ. Cơ hội để họ thỏa niềm ước mơ đó chính là nhà ở xã hội. Nhưng không phải ai cũng may mắn để mua được loại hình nhà ở này.

    Anh Nguyễn Đình Hòa (sinh năm 1990, quê Nam Định) sinh sống và làm việc tại Hà Nội hơn chục năm và nhiều lần có ý định tìm mua các căn nhà ở xã hội để ở. Tuy nhiên, đến nay câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết.

    “Giờ tìm mua được nhà ở xã hội gốc rất khó, tôi lên mạng thấy hầu hết là nhà thương mại hoặc nhà người ta sang nhượng. Vì thấy thủ tục rắc rối, dễ rủi ro nên tôi cũng chưa dám xuống tiền để mua” - anh Hòa tâm sự.

    Tại một số khu nhà ở xã hội trên các trục đường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), ở Phương Canh (Nam Từ Liêm) hay ở Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì)... khi phóng viên tiếp cận hỏi mua, hầu như không còn căn hộ nào trống. Trường hợp nếu có nhu cầu sở hữu thì khách hàng buộc phải bỏ ra với số tiền chênh lệch khá cao để mua lại từ các bên trung gian.

    Trong khi đó, một số nhà xã hội dù đã được hoàn thành xây dựng nhưng lại khó tìm được người về ở. Điển hình dự án Bamboo Garden (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội). Dự án này phải ra thông báo nhận hồ sơ bán và cho thuê đến hơn 20 lần. Điều đáng nói, dự án cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, không thuận tiện giao thông công cộng nên nhiều người không mặn mà.

    Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và TPHCM thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng tham gia thuê, mua nhà. Thậm chí, có những dự án đã xây dựng rồi nhưng không có người mua, phải đề xuất phá để xây nhà ở thương mại.

    Theo ông Nghiêm, thủ tục pháp lý chỉ là một phần, nguyên nhân chính là do việc lựa chọn vị trí xây dựng chưa phù hợp với đối tượng được sử dụng.

    “Các khu công nghiệp cần nhà ở xã hội thì chưa đáp ứng. Một số khu xây dựng xa nơi làm việc, xa trung tâm thì không có người đến ở. Quy mô, cơ cấu đối tượng và điều kiện ở tối thiểu chưa được nghiên cứu kỹ, chưa quan tâm đến đối tượng có nhu cầu thuê”, ông Nghiêm nói.

    Qua đây, ông Nghiêm đề xuất, cần quy hoạch khu vực xây dựng nhà ở xã hội rõ ràng, đảm bảo quy mô, cơ cấu đối tượng. Hiện nay nhiều người không thuộc đối tượng thì lại mua được, trong khi nhiều người đủ điều kiện mua lại không biết mua ở đâu.

    Tạo khung giá sàn

    Trước bối cảnh nhà ở xã hội có chỗ thừa không ai ở, chỗ thiếu không có để mua và Ngân hàng Nhà nước mới đây dự thảo loại đối tượng vay mua nhà ở xã hội ra khỏi nhóm khách hàng được vay ưu đãi tại ngân hàng thương mại, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp động sản (BĐS) đề xuất bán nhà ở xã hội theo hình thức thương mại.

    Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội - cho rằng, nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn mà muốn phát triển nhà ở xã hội cần phải bỏ cơ chế “xin - cho”, phải tạo cơ chế mở, chuyển sang cơ chế thị trường.

    Theo ông Điệp, hiện nay thay vì nhà nước quy định về giá bán cụ thể từng dự án, phê duyệt từng đối tượng, khu vực, nhóm nhà... thì nay chuyển sang mua bán thương mại tự do theo nhu cầu. Người mua nhà có thể tự thoả thuận với chủ đầu tư về giá, tự chọn căn, vị trí theo mong muốn. Nhà nước chỉ quy định giá khung sàn.

    Ông Điệp lấy ví dụ, nhà nước quy định dưới 20 triệu đồng/m2 là nhà ở xã hội thì tất cả nhà bán dưới 20 triệu đồng/m2 mặc định là nhà ở xã hội và được hưởng những chính sách của nhà ở xã hội. Thực tế hiện nay rất khó để phát triển các khu nhà ở xã hội gần trong nội đô vì giá xây dựng và đền bù rất lớn, trong khi Nhà nước khống chế giá bán.

    Vì thế, nhà ở xã hội phải xây dựng ở những vùng xa trung tâm, giá đất thấp thì mới có khả năng đảm bảo mức giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc xa trung tâm thì bắt buộc phải gắn liền với việc kéo giãn khu vực kinh tế ra ngoài ven đô, khu đô thị vệ tinh, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, phù hợp với nhu cầu nhà ở từng khu vực...

    TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng, với đề xuất trên, bản chất trở lại với câu chuyện nhà thương mại giá rẻ và muốn có ưu đãi. Cơ chế này đối với doanh nghiệp thì có lợi nhưng không đúng về mặt quản lý nhà nước, dễ bị lợi dụng. Đáng lẽ nhà bán ưu đãi cho dân nhưng lại bán cho những nhà đầu tư f1, f2... thì rất khó quản lý. Tuy nhiên, ông Thành cũng ủng hộ việc đơn giản hoá thủ tục trong việc phát triển nhà ở xã hội.

    CAO NGUYÊN

    Chia sẽ (FB, Zalo)

    Tin tức nhiều người xem

    Tin tức liên quan

    Nội dung
      Phản hồi - Góp ý