Hà Nội hạn chế tối đa xây chung cư trong khu trung tâm lịch sử
Hà Nội sẽ hạn chế tối đa phát triển chung cư tại khu trung tâm lịch sử để giảm thiểu gia tăng dân số và quá tải hạ tầng, các khu vực còn lại hạn chế phát triển nhà ở thấp tầng liền kề…
Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra các chỉ tiêu phát triển nhà ở đến năm 2023 gồm: Tổng số căn nhà hoàn thành theo dự án trong năm là 21.100 căn; Tổng diện tích nhà ở hoàn thành trong năm của dự án là 4.110.000 m2; Tổng số căn và tổng diện tích NƠXH hoàn thành 400 căn, 28.000 m2; Diện tích ở bình quân một người dân đạt 28m2 sàn/người.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, toàn thành phố hoàn thành khoảng 50 triệu m2 sàn nhà ở. Dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu nhà ở của người dân vùng Thủ đô cần khoảng 89 triệu m2 sàn. Trong đó, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 44 triệu m2; giai đoạn 2021 - 2030 là 45 triệu m2. Với mục tiêu đặt ra, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn này cần khoảng 880 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng.
Căn cứ Quy hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng đã tập trung đôn đốc các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, công trình, khu đô thị nhằm đạt mục tiêu phát triển nhà ở đã xác định trong chương trình, kế hoạch của thành phố.
Giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội đẩy mạnh phát triển các đô thị vệ tinh, khu vực dự kiến phát triển thành quận; nhấn mạnh đa dạng hóa các loại hình nhà ở, ưu tiên nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà ở cho thuê, nhà ở công nhân khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, khu trung tâm lịch sử sẽ hạn chế tối đa phát triển chung cư (trừ các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tái định cư) nhằm giảm thiểu gia tăng dân số và quá tải hạ tầng.
Tại các khu vực khác, hạn chế phát triển nhà thấp tầng, liền kề, tăng tối đa nhà chung cư nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất; các khu đô thị, khu dân cư cần được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.