Ngậm trái đắng vì mua nhà đất trên... giấy

Dù dự án chưa đủ điều kiện bán hàng theo quy định của pháp luật, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn ngang nhiên ký hợp đồng đặt cọc, hứa mua hứa bán, hợp đồng giữ chỗ... để bán nhà trên ...giấy.

Bán nhà đất kiểu "Lùa gà"

Cuối năm 2018, dự án Green City (P.Trường Thạnh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) rao bán rầm rộ và rất nhiều người ký hợp đồng đặt cọc mua đất vì tin lời quảng cáo đã đầy đủ hồ sơ pháp lý. Thế nhưng, tiền đã thanh toán mà đến nay đất vẫn chưa thấy đâu, dự án vẫn là một bãi đất hoang cây cỏ mọc um tùm. Nhiều khách hàng đã đệ đơn kiện chủ đầu tư là Công ty cổ phần xây dựng bất động sản Nam Khang (Công ty Nam Khang) và Công ty cổ phần đầu tư địa ốc May (Công ty Mayland) là đơn vị hợp tác đầu tư, phát triển dự án.

Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc hoang tàn

Lãnh đạo UBND P.Trường Thạnh cũng cho biết hiện trên địa bàn phường không có dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mang tên Green City, cũng như không có dự án đang triển khai trên mặt tiền đường Tam Đa thuộc P.Trường Thạnh. Về pháp lý, dự án mới chỉ được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng cũng đã hết hạn, thậm chí còn đền bù chưa xong.

Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2020, ông Phan Thế Cường, người đại diện theo pháp luật của Công ty Mayland, đã “tố” Công ty Nam Khang không thực hiện đúng tiến độ về thủ tục/pháp lý dự án như đã thỏa thuận dẫn đến việc chậm giao nền cho khách hàng. Trong khi đó, chủ đầu tư lại đổ lỗi do đơn vị phát triển dự án đã tự ý ký hợp đồng nhận tiền cọc của khách mà không được chủ đầu tư chấp thuận. Việc chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án “đấu tố”, đưa nhau ra tòa khiến khách hàng ở giữa chịu thiệt hại nặng nề.

Hàng trăm khách mua căn hộ tại dự án Roxana Plaza (Bình Dương) cũng đồng loạt gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng Bình Dương cầu cứu vì lo sợ mất trắng số tiền đã đóng. Theo ông Đạt Mura, một khách hàng mua căn hộ tại dự án, từ năm 2018, Công ty CP Naviland (đơn vị phát triển dự án - NV) tổ chức sự kiện rầm rộ để mở bán căn hộ tại dự án Roxana Plaza. Người mua đã ký hợp đồng cọc sau đó chuyển qua hợp đồng mua bán và đóng đến 70% giá trị hợp đồng cho Công ty CP Naviland. Khi đó, công ty này cam kết đến cuối năm 2020 sẽ bàn giao nhà. Tuy nhiên, đến nay, người mua vẫn chưa được bàn giao nhà, còn dự án tìm hiểu ra mới biết, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép bán. Điều đáng nói, dự án này lần đầu được Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cấp phép xây dựng vào năm 2018, với chiều cao 25 tầng, nhưng đến nay đã xây đến tầng 32. Trong quá trình xây dựng và điều chỉnh giấy phép, năm 2018 cơ quan chức năng đã nghiệm thu hoàn thành phần móng cho dự án chỉ 1 tầng dù trong giấy phép xây dựng quy định phải có 3 tầng hầm. Mới đây, Sở Xây dựng Bình Dương cho biết việc ký hợp đồng mua bán căn hộ giữa Công ty CP Naviland với người dân là không đúng đối tượng. Vì vậy, Sở Xây dựng đã chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Bình Dương để tiếp tục xác minh, xử lý những vi phạm tại dự án.

Kéo nhau đi đòi đất

Mới đây, gần 100 khách hàng ký hợp đồng đặt cọc mua nền đất tại dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc đã tập trung trước UBND TP.HCM mang theo băng rôn cầu cứu lãnh đạo TP, đòi đất.

Ông Trần Ngọc Mạnh, một khách hàng mua đất tại dự án này, cho biết năm 2001 dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc được cấp chính quyền giao đất cho Công ty xây dựng và dịch vụ nhà đất quận 10 (Res 10, thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) làm chủ đầu tư theo Quyết định số 282. Theo quyết định này, Res 10 được giao nhiệm vụ đầu tư hạ tầng hoàn thiện hệ thống hạ tầng trục chính và giao lại cho TP để bàn giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp. Thế nhưng, thay vì thực hiện đúng quyết định của chính quyền, nhiều cá nhân tại Res 10 đã ký hợp đồng kinh tế với các nhà đầu tư thứ cấp là Công ty TNHH thương mại Him Lam, Công ty cổ phần Saca, Công ty vận tải Ô tô 6, Công ty Kỳ Lâm, Công ty Hàng Hải... khi chưa được giao đất. Sau khi được giao đất trên giấy, Res 10 cùng các nhà đầu tư thứ cấp đã cắt đất bán cho khách hàng bằng hợp đồng góp vốn. Đến nay dự án này vẫn chưa xong hạ tầng, chưa giải phóng xong mặt bằng nên không được cơ quan chức năng giao đất.

“Năm 2006, tôi mua đất tại dự án Bắc Rạch Chiếc từ chủ đầu tư chính Res 10, đã thanh toán 80% giá trị hợp đồng, nhưng hơn 15 năm nay, đất của tôi không được giao để xây nhà mà nay trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng của một doanh nghiệp không rõ từ đâu tới. Không riêng gia đình tôi, dự án có khoảng 1.000 khách hàng, tới nay gần 80% trong số đó chưa được giao đất, số còn lại được giao đất đã xây nhà nhưng vẫn chưa có sổ đỏ gây nhiều khó khăn cho chúng tôi”, ông Mạnh bức xúc.

Cùng số phận, bà Trần Ngọc Trâm cho hay năm 2003 bà mua đất ở dự án Kỳ Lâm (thuộc dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc) với mong muốn có đất xây nhà để ở, thế nhưng 19 năm nay phải đi ở nhà thuê.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương và ông Nguyễn Huy Ngạn, đại diện các khách hàng mua đất từ Công ty vận tải Ô tô 6, cho biết các khách hàng phần lớn đã đóng 90% giá trị hợp đồng và đã được chủ đầu tư giao đất tạm, nhiều người đã liều xây dựng nhà nhưng đến nay chưa được nhận sổ đỏ. Trước tình trạng trên, hàng chục năm nay, các khách hàng đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi và đề nghị chủ đầu tư đối thoại, yêu cầu hoàn thiện hạ tầng điện, đường và cấp sổ đỏ, nhưng sự việc vẫn chìm trong im lặng.

Sau các đơn cầu cứu, nhiều cơ quan chức năng như công an, thanh tra đã vào cuộc và phát hiện hàng loạt sai phạm tại Res 10 qua nhiều thời kỳ.

Theo ghi nhận thực tế, khu dân cư Bắc Rạch Chiếc hiện vẫn là khu dân cư “da beo”, ngoài một số căn nhà được xây dựng và có người dân sinh sống thì đa phần còn lại là đất bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm xen lẫn bãi tập kết vật liệu xây dựng.

Đình Sơn