Tín dụng cho bất động sản bị siết chặt, giá nhà ngày càng tăng cao khiến giao dịch trên thị trường căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ sụt giảm.
Rao bán căn hộ tại Thành phố Thủ Đức để chuyển về Bình Dương sống với gia đình từ tháng 11/2021 đến nay nhưng anh Tâm vẫn chưa thể “chốt deal”.
“Dù có nhiều khách gọi hỏi, nhưng nghe giá thì bảo đợi suy nghĩ thêm rồi lặn mất tăm dù giá mình đưa ra đang khá cạnh tranh so với các căn hộ khác cùng tòa nhà cũng đang chào bán”, anh Tâm nói.
Theo anh Tâm, sở dĩ rao bán khá lâu nhưng căn hộ của anh vẫn chưa “khớp lệnh” là bởi bên mua muốn giảm giá thêm, nhiều khách trả giảm hẳn 10% so với mức 2,1 tỉ đồng mà anh đưa ra cho căn hộ hơn 60m2 của mình. Tuy nhiên, anh Tâm tin rằng trong bối cảnh giá nhà đang tăng phi mã như hiện nay, chậm một chút sẽ bán được với giá kỳ vọng, thậm chí nhiều hơn.
Thành Được, một môi giới tự do cho biết, chỉ có những chủ nhà kẹt tiền mới chấp nhận giảm giá mạnh để đẩy hàng nhanh. Đa số chủ nhà ký gởi căn hộ hay nhà đất ở chỗ anh trong thời điểm hiện tại vẫn cố đợi thêm để bán được giá tốt. Cũng chính vì vậy, từ đầu năm đến nay môi giới này chỉ bán được một căn nhà tại Gò Vấp trong hơn chục căn anh đang nhận ký gửi.
Theo báo cáo quý 1.2022 của DKRA, ngoại trừ phân khúc đất nền tăng nhẹ 6% lượng tiêu thụ so với quý trước và cùng kỳ 2021, thị trường căn hộ và nhà phố, biệt thự đều gặp khó. Tính cả địa bàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh, chưa đầy 2.600 căn hộ được tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm, chỉ bằng 45% quý trước và bằng 59% cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng cho biết, giao dịch thành công căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong quý 1 năm nay chỉ bằng khoảng 45,5% so với quý 4/2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo cơ quan này, lượng giao dịch thành công căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong quý 1 năm nay đạt 20.325 căn tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Phú Thọ, Bắc Giang và Lâm Đồng. Số giao dịch thành công tại Hà Nội là 956 giao dịch, tại TP.HCM là 1.172 giao dịch.
Lượng giao dịch đất nền chuyển nhượng lại tăng rất mạnh trong quý 1. Cụ thể, có 153.537 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 242% so với quý 4/2021. Trong đó, tại miền Bắc có 20.726 giao dịch; miền Trung có 42.722 giao dịch; miền Nam có 90.089 giao dịch.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nguồn cung nhà ở thương mại quý 1 vẫn chưa được cải thiện. Cụ thể, số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 41%, với số căn hộ xây mới bằng khoảng 49%, so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với nhà ở thương mại có 22 dự án, quy mô 5.217 căn hộ hoàn thành; 1.216 dự án, quy mô 332.387 căn hộ đang xây dựng; 39 dự án, quy mô 18.660 căn hộ được cấp phép mới trong quý 1 năm nay.
Bên cạnh đó, có 4 dự án nhà ở xã hội, quy mô 1.450 căn hộ đã hoàn thành tại Tiền Giang, TP.HCM, Ninh Thuận, Kon Tum; 98 dự án, quy mô 122.990 căn, tập trung chủ yếu tại Bình Dương (42 dự án) đang xây dựng; 3 dự án được cấp phép mới, quy mô 1.198 căn hộ.
Hiện có khoảng 18 dự án nhà ở công nhân, với tổng cộng 14.348 căn hộ đang triển khai xây dựng; 1 dự án được cấp phép mới có quy mô 864 căn hộ.
Bộ Xây dựng đánh giá giá nhà đất đang tăng cao so với thu nhập của người dân. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hầu như không còn căn hộ chung cư dưới 25 triệu đồng/m2.
Về dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến 31/3, dư nợ tín dụng đạt 783.942 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 4,03%, tăng nhanh hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Diệu Trang