NHNN nới hạn mức tín dụng: Dòng vốn nên đi về dự án BĐS nào?

240.000 tỷ đồng sắp được bơm ra nền kinh tế sau khi NHNN nới lỏng biên độ tín dụng từ 1,5% lên thành 2%, thị trường BĐS kỳ vọng cơ hội giải ngân mới phá tình trạng “đóng băng”

Các chuyên gia cho rằng, dù không được nhắc đến là ưu tiên giải ngân trong lần nới room tín dụng này nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ và chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chắc chắn các ngân hàng sẽ có cái nhìn cởi mở hơn với BĐS, một ngành rất quan trọng của nền kinh tế.

Dự án "khỏe" cần được hỗ trợ tín dụng

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và kinh tế vĩ mô vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình đang ổn định trở lại, đặc biệt là tâm lý thị trường. Niềm tin thị trường đang tăng lên và củng cố. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả để doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả... Có chính sách hỗ trợ người mua nhà ở xã hội; Rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. Các tổ chức tín dụng đề cao tinh thần “lợi nhuận hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ”.

Đánh giá về chỉ đạo của Thủ tướng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng thông điệp của Thủ tướng đưa ra thời điểm này là rất cần thiết khi thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc không thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ, định hướng của Chính phủ sẽ vừa tránh được bong bóng bất động sản, vừa kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào thị trường này.

Ngoài ra, việc tạo điều kiện tín dụng cho các công ty uy tín, dự án BĐS có pháp lý bài bản, đủ tiêu chuẩn sẽ giúp thị trường thông thoáng, dòng vốn chỉ chảy đến đúng nơi, tránh tình trạng đầu cơ, gây loạn giá.

Hiện nhiều doanh nghiệp BĐS đang đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, buộc phải thực hiện các biện pháp chưa từng có để tồn tại như giảm quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; dừng triển khai các dự án mới; ngừng phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Bên cạnh đó, có trường hợp DN BĐS hợp lý hóa bộ máy, cắt giảm nhân sự, thậm chí giảm 50% nhân sự.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để vực dậy thị trường không chỉ cần tiền, mà còn phải giải quyết vấn đề căn cơ là pháp lý.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc thành lập tổ công tác đặc biệt của chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng tạo tâm lý lạc quan trên thị trường. Nhưng cần có các giải pháp đồng bộ, tránh tình trạng manh mún, tháo gỡ được chỗ này nhưng lại tạo ra khó khăn mới.

Nhà ở xã hội: Đối tượng ưu tiên số 1

NHNN nới hạn mức tín dụng: Dòng vốn nên đi về dự án BĐS nào?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực BĐS, đặc biệt là lĩnh vực giúp người dân có tiền mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự nhu cầu cuộc sống của người dân. Từ trước đến nay, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực được quan tâm và luôn yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện để các khu vực mua nhà ở xã hội bình dân được mở rộng để người dân có thể mua nhà ở.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, nhà ở xã hội là phân khúc được nhiều ông lớn quan tâm với cam kết nguồn cung mạnh. Đơn cử như Vinhomes, Sun Group, Hưng Thịnh... từng công bố sẽ triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn lên tới hàng triệu căn nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay nhà ở xã hội phát triển mới đạt 7,79 triệu mét vuông sàn nhà ở, đạt 62,3% so với chỉ tiêu đề ra là 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở. Trong đó, nhà ở công nhân hoàn thành là 3,13 triệu m2; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2.

Tuy nhiên, để phát triển nhà ở xã hội, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng tháo gỡ các “nút thắt” để thu hút doanh nghiệp, từng bước giải bài toán nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.