Loại Bỏ Thủ Tục Rườm Rà, Nhiêu Khê Mới Có Thể Kéo Giảm Giá Nhà Tại Thành Phố Hồ Chí Minh

Loại Bỏ Thủ Tục Rườm Rà, Nhiêu Khê Mới Có Thể Kéo Giảm Giá Nhà Tại Thành Phố Hồ Chí Minh

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp tại thành phố đông dân này vẫn rất nan giải. Chỉ khi nào giảm được chi phí “không tên” sẽ góp phần làm giảm giá thành nhà ở

Tại TP HCM - đô thị đông dân nhất cả nước, bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn nan giải. Một trong những nguyên nhân khiến giá nhà ở chưa thể kéo giảm được chính là việc doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều vướng mắc khi đáp ứng các thủ tục rườm rà, nhiêu khê. Để giải quyết bài toán này, ngoài sự cố gắng từ chính TPHCM, thì cũng cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương.

Chi phí “không tên” đổ vào giá nhà

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), trong 9 tháng từ đầu năm 2020, Sở Xây dựng TP HCM đã xác nhận 20 dự án, tổng số 6.722 căn nhà đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai (giảm 12 dự án, tương đương mức giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2019). Đáng chú ý, trong số này chỉ có 163 căn là nhà ở phân khúc bình dân (chiếm tỷ lệ 2,5%). Căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống và nhà ở xã hội có nguồn cung rất ít, hầu như vắng bóng trên thị trường TP HCM trong hai năm qua.

Trong cơ cấu giá bán nhà, đại diện HoREA cho biết, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đều phải tính đến các chi phí “không tên” và cuối cùng sẽ tính vào giá bán mà người mua nhà phải gánh chịu. Giảm được chi phí “không tên” sẽ góp phần làm giảm giá thành nhà ở. Môi trường kinh doanh lĩnh vực bất động sản chưa minh bạch, bình đẳng, lành mạnh nên khó mà giảm chi phí này. Nguyên nhân do có nhiều quy trình thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn khuất cơ chế “xin-cho”, nhũng nhiễu, tiêu cực…

Công ty Lê Thành, chuyên xây dựng nhà ở xã hội tại TP HCM đang gặp vướng mắc vì không có hướng dẫn thực thi các quy định một cách cụ thể, là minh chứng cho việc thủ tục nhiêu khê, kéo dài.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, dự án nhà ở xã hội mang tên Lê Thành Tân Kiên tại huyện Bình Chánh đang bị “ngâm” hồ sơ đến hơn 3 năm, mặc dù khu đất được quy hoạch ưu tiên để phát triển nhà ở xã hội. Nguyên nhân là UBND huyện Bình Chánh duyệt chỉ tiêu dân số 2.000 dân, doanh nghiệp cần xin tăng thêm 1.000 dân nhưng không có cơ quan chức năng nào xem xét.

Ông Nghĩa cho rằng việc thủ tục rườm rà, phức tạp làm doanh nghiệp và người dân thiệt hại: “Ba năm chúng tôi mới có được một dự án, vậy cuối cùng chi phí rất lớn đang gánh, thì doanh nghiệp phải tính toán bằng cách tăng giá thành. Chắc chắn thị trường vẫn tiếp tục phát triển, nhưng để tốt cho thị trường tôi cho rằng làm sao phải có cơ chế phối hợp giữa các sở ngành, để giải quyết nhanh được những dự án mới, những dự án đang vướng để giải quyết được nguồn cung rất lớn trên thị trường. Từ đây làm giảm giá thành và tạo ra công ăn việc làm”.

Tạo dựng thị trường lành mạnh

Để tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị, nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa tinh giản bộ máy hành chính, đảm bảo cho công chức, viên chức nhà nước có thu nhập khá so với thu nhập trung bình của xã hội. Cùng với đó là đấu tranh hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực để giảm dần “chi phí không tên” trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, góp phần rất quan trọng vào việc kéo giảm giá nhà ở. Quốc hội và Chính phủ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản Luật, văn bản dưới Luật có liên quan hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thực trạng nhiều dự án dừng, hoãn là do những chồng chéo về pháp luật trong thủ tục. Thực tế này đang là trở ngại cho sự gia tăng nguồn cung của thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội trong khi nhu cầu vẫn cao.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng: tăng cường vai trò định hướng, quản lý, điều tiết thị trường bất động sản của Nhà nước đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Ông Sinh cũng đề nghị các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm hơn.

“Thời gian tới, chúng tôi rất mong các địa phương tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Nhất là các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai, thủ tục về đầu tư. Tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển thừa nhận, thị trường bất động sản, nhà ở vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa bền vững khiến nhiều người dân vẫn chưa mua được nhà để ổn định cuộc sống. Nguyên nhân xuất phát từ các chồng chéo, phát sinh trong quy định, chính sách pháp luật nhưng chưa được bổ sung, dẫn tới việc quản lý thị trường chưa hiệu quả; các chính sách đất đai chưa nhất quán, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư bất động sản còn phức tạp kéo dài...

Theo ông Hiển, từ các cơ quan Trung ương đến các địa phương phải có sự chung tay vào cuộc: “Phát triển đô thị nói chung, cũng như phát triển thị trường bất động sản nói riêng là một lĩnh vực có tính liên ngành. Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương. Để đảm bảo minh bạch thì cần xây dựng cơ chế phối hợp, cơ chế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát một cách đồng bộ giữa các cơ quan này”.

Để thị trường xuất hiện nhiều hơn các dự án nhà ở giá thấp, phù hợp với thu nhập của đa số người dân, góp phần xây dựng TP HCM trở thành đô thị đáng sống, thì các cơ quan quản lý và chính quyền thành phố cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục đầu tư, xây dựng trong thẩm quyền của mình. Điều quan trọng nữa cần mạnh dạn loại bỏ tâm lý đùn đẩy, sợ trách nhiệm khi giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh đấu tranh chống tiêu cực, loại bỏ những cán bộ tham nhũng./.

Nguồn vov.vn