Doanh nghiệp địa ốc "bẻ lái" sang khu công nghiệp

Phân khúc bất động sản công nghiệp đang trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Một số doanh nghiệp lâu nay chuyên phát triển các dự án nhà ở đang âm thầm chuyển sang làm khu công nghiệp.

CapitaLand là một trong những nhà đầu tư nước ngoài khá thành công với nhiều dự án bất động sản nhà ở tại Việt Nam. Trong quý 1 vừa qua, CapitaLand Development (CLD) - nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand – đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, hai bên đã chia sẻ mối quan tâm chung với trọng tâm đẩy mạnh phát triển dự án khu đô thị - công nghiệp - logistics đầu tiên tại Việt Nam với tổng giá trị cam kết đầu tư 1 tỉ USD (khoảng 22,7 nghìn tỉ đồng).

CLD cho biết định hướng phát triển năm năm tới của doanh nghiệp là đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam thông qua việc thiết lập và triển khai các khối tài sản đa dạng, qua đó mở rộng danh mục đầu tư của tập đoàn sang các khối tài sản mới như trung tâm dữ liệu, logistics và khu công nghiệp.

Ông Jason Leow, Giám đốc điều hành của CLD, cho biết bên cạnh việc nắm bắt những cơ hội tiềm năng vào định hướng thực hiện thiết kế, quy hoạch và phát triển đô thị, tập đoàn sẽ tiếp tục khám phá thêm các cơ hội đầu tư vào khối tài sản nền kinh tế mới như cơ sở logistics, trung tâm dữ liệu và khu công nghiệp.

Bất động sản công nghiệp đang trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Tương tự, một chủ đầu tư trong nước là Phát Đạt cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp theo mô hình mới và những đô thị công nghiệp có quy mô lớn. Doanh nghiệp này nhắm đến các địa phương đã có sẵn nhu cầu, cơ sở và lợi thế để phát triển khu công nghiệp như Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Gần đây, Phát Đạt mở rộng hướng tiếp cận đến khu vực phía Tây Nam Bộ.

Doanh nghiệp này vừa được tỉnh Đồng Tháp chấp thuận cho nghiên cứu đề xuất đầu tư 3 dự án, gồm khu công nghiệp Cao Lãnh, Cao Lãnh II và Cao Lãnh III. Tổng quy mô cả 3 dự án khoảng 2.000ha, với mức đầu tư gần 15.000 tỉ đồng. Phát Đạt dự kiến khởi công giai đoạn 1 trong năm 2024 với quy mô 1.000 ha.

Trước đó, chủ đầu tư này cũng nghiên cứu đề xuất dự án Cụm công nghiệp Hàm Ninh (Phú Quốc). Dự án có diện tích hơn 59ha, được dự kiến khởi công vào năm 2023. Một dự án khác là Kho bãi tổng hợp - dịch vụ logistics Tài Tiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) có quy mô 24ha đang trong giai đoạn triển khai xây dựng.

Giới quan sát thị trường cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ấm trở lại, kế hoạch phát triển dự án bất động sản của các doanh nghiệp sôi động là điều dễ hiểu.

Savills Việt Nam đánh giá, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong những tháng đầu năm đang trên đà phục hồi và làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường. Việc mở cửa trở lại là yếu tố quan trọng giúp củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế, đồng thời hứa hẹn một năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp.

Theo ước tính của Cushman & Wakefield, khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận sẽ có khoảng 23.000ha nguồn cung bất động sản công nghiệp đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Hiện tổng nguồn cung đất công nghiệp tại TP.HCM và bốn tỉnh trọng điểm miền Nam bao gồm Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, vẫn ổn định ở mức xấp xỉ 25.200ha, tăng 1% theo năm.

Giá thuê đất công nghiệp trung bình đạt 135 USD/m2/thời hạn thuê (tương đương 3,09 triệu đồng), ổn định theo quý và tăng 3% theo năm. Tỷ lệ lấp đầy tăng 2% so với quý trước và tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, đạt 89%, được thúc đẩy bởi nhóm khách thuê sản xuất và kho vận.

Trong khi đó, tổng diện tích nhà xưởng và nhà kho lần lượt tăng 13% và 25%, đạt trên 4,1 triệu m2 và 3,5 triệu m2 sàn. Giá thuê nhà xưởng trung bình đạt 4,7 USD/m2/tháng, còn giá thuê nhà kho là 3,9 USD/m2/tháng.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, đánh giá trong ba tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định cho thị trường bất động sản như Nghị định 02/2022 và Nghị định 16/2022. Đây là một bước để đơn giản hóa thủ tục kinh doanh bất động sản, đồng thời gỡ vướng pháp lý cho các dự án.

“Với nền kinh tế đã trở lại đúng hướng, thị trường bất động sản cũng quy tụ các động lực phát triển trong 18 tháng tiếp theo. Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tâm điểm đến Việt Nam với nhiều tập đoàn đang nỗ lực tìm hiểu thị trường và cố gắng để có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam”, Bà Trang cho biết.

Xét trên bình diện rộng, sự tăng trưởng thương mại nội vùng ở châu Á sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng sản xuất và hậu cần. Giai đoạn sắp tới vào năm 2022-2023 sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp.

Thanh Thịnh