Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định, từ nguy cơ “bong bóng” chuyển thành nguy cơ “suy thoái”.
Khắc phục tình trạng lệch pha cung cầu sản phẩm BĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đại diện Bộ Xây dựng giao tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng”.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tình hình thị trường bất động sản năm 2022 có dấu hiệu phục hồi và phát triển với tổng lượng giao dịch căn hộ, nhà ở đơn lập và đất nền cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc đều cao; tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần. Về cơ bản, thị trường BĐS đã cân bằng lại giữa hoạt động đầu tư, thương mại và mua bán để sử dụng.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung ở các phân khúc sản phẩm, cơ cấu BĐS chưa phù hợp, nguồn cung nhà ở xã hội, thương mại bình dân thiếu trầm trọng, giá giao dịch cao. Trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà ở tại các dự án đưa ra giao dịch (cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua ở và sử dụng của người dân vẫn cao.
Bộ Xây dựng cho rằng thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định, từ nguy cơ “bong bóng” chuyển thành nguy cơ “suy thoái”. Bên cạnh đó, các vấn đề như thiếu nguồn cung ở các phân khúc vẫn tồn tại, cơ cấu bất động sản chưa thích ứng với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ…
Đặc biệt, Bộ Xây dựng chỉ ra, có hiện tượng cấu kết giữa các sàn giao dịch BĐS để “ôm tài sản”, “làm giá”, “tạo sóng”, “bùng giá”, gây “sốt ảo” để ăn theo, làm chênh lệch méo mó thị trường. Giá nhà cao gây khó khăn cho người mua có nhu cầu thực về nhà ở.
Trong năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS, nhằm khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu sản phẩm BĐS, trong đó chú trọng khuyến khích phát triển các sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, động viên, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án BĐS cho các nhà đầu tư địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đặc biệt, Tổ công tác liên ngành sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng lại chung cư cũ.
Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xác định nhu cầu và triển khai cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà…