80% sàn giao dịch bất động sản phải tạm dừng hoạt động

Khó khăn bủa vây

Bộ Xây dựng đánh giá, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như: Công ty CP dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, Công ty CP Đầu tư và kinh doanh BĐS Hải Phát Land, Tập đoàn Cengroup…, mới tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch BĐS chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.

Hầu hết các văn phòng giới thiệu dự án và các sàn môi giới bất động sản đều phải đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Đại Phúc Land, cho biết dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp BĐS phải đối mặt với nhiều khó khăn như: kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ, nhiều đơn vị chỉ đặt mục tiêu đạt được 50% kế hoạch đặt ra, doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng.

Ngoài ra, áp lực về dòng tiền cũng là gánh nặng rất lớn, bởi đa phần chủ đầu tư đều dùng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ huy động lớn. Trong trạng thái bình thường, dòng tiền ồn định khả năng trả lãi suất được đảm bảo. Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay, khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, áp lực tài chính lên các các chủ đầu tư lớn, kéo theo khó khăn cho sàn giao dịch, môi giới BĐS.

Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) đánh giá, không phải chỉ khi dịch bệnh bùng phát mà từ trước đó, các sàn giao dịch BĐS đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch bệnh đến càng làm những khó khăn đó thêm trầm trọng.

Tỷ lệ sàn phá sản sẽ tăng cao nếu không được kịp thời hỗ trợ

Theo VARS, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tục phải thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là tại các đô thị lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Ninh..., khiến nhiều công trình xây dựng phải dừng hoặc giãn tiến độ xây dựng. Người dân giảm thu nhập hoặc có tâm lý chờ đợi đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường BĐS nói chung và lĩnh vực môi giới BĐS nói riêng.

Khảo sát của VARS cho thấy, có tới 28% sàn giao dịch có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.

Cùng đó là khó khăn về chi phí thuê mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh. Các sàn giao dịch phản ánh, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động khiến doanh thu sụt giảm, thậm chí không có nguồn thu nhưng có tới hơn 70% sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng. Ngay cả các sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chống dịch cũng không được giảm... Ngoài ra, có tới 89% sàn giao dịch không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đại diện VARS cho biết, vừa có kiến nghị lên Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ BĐS, nhà môi giới BĐS gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, VARS đã đưa ra 5 đề xuất, trong đó đề nghị bổ sung ngành dịch vụ môi giới BĐS vào nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp; có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý và một số nghĩa vụ khác đối với nhà nước để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ lao động cũng như đồng hành cùng với chính quyền trong chống dịch.

VARS cũng đề nghị cơ quan chức năng thúc đẩy nhanh hơn chương trình điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc trong quy trình pháp luật đối với thủ tục đầu tư nhằm cải thiện việc giải quyết thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư BĐS làm tăng nguồn cung cho thị trường và kích thích hoạt động đầu tư của xã hội.

Ngoài ra, VARS cũng đề nghị chủ dự án hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn chưa thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do phải thực hiện giãn cách xã hội.

Đặc biệt, VARS đề nghị chủ dự án không nợ phí môi giới của các sàn giao dịch; sớm thanh toán hoặc ít nhất là thanh toán 1 phần đề các sàn giao dịch có nguồn kinh phí duy trì hoạt động./.

Văn Tuấn