Một cặp vợ chồng trẻ, hiện có tài chính khoảng 2 tỉ đồng, đang băn khoăn có nên vay ngân hàng thêm 2 tỉ (tức 50%) để đủ số tiền mua miếng đất 4 tỉ đồng tại Tp.HCM.
Anh Th, ngụ Q.9, Tp.HCM, hiện có trong tay 2 tỉ đồng đang có ý định mua mảnh đất rộng hơn 70m2 cùng khu vực (có mặt tiền) với giá 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, anh Th băn khoăn có nên vay ngân hàng 2 tỉ đồng để sở hữu miếng đất. Theo anh Th, mua nền đất không phải để lướt sóng mà sẽ đầu tư trong trung hạn, được giá chênh tốt sẽ bán ra. Nếu vay 2 tỉ đồng, anh Th tính toán hàng tháng anh trả lãi gốc cho ngân hàng khoảng trên dưới 20 triệu đồng. Điều băn khoăn của anh Th là sợ thu nhập của 2 vợ chồng bị ảnh hưởng bởi dịch sẽ áp lực về tài chính trả nợ.
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều cặp vợ chồng có tích lũy 1-2 tỉ đồng nhưng để mua được BĐS tại đô thị sẽ phải nhờ đến hỗ trợ tài chính từ ngân hàng. Nếu mua căn hộ thì mức vay sẽ ít hơn nhưng nếu mua đất nền thì với số tiền này người mua phải vay khoảng 40-60% giá trị BĐS mới đủ.
Thế nhưng, đây cũng là băn khoăn của nhiều người khi mà phải vay tiền tỉ để mua BĐS, trong khi nỗi lo thường trực là khả năng trả nợ ngân hàng. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì nỗi lo lại càng tăng thêm. Còn với các NĐT mới tham gia thị trường, dòng vốn sẵn có khiêm tốn cũng khá lấn cấn trong việc có nên vay ngân hàng 50-70% giá trị BĐS để đầu tư.
Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, khi xác định vay số tiền 2 tỉ đồng từ ngân hàng, người mua cần tính toán, nếu không bán được tài sản thì khả năng chi trả sẽ như thé nào; cùng với đó, nếu có 2 tỉ đồng sẵn trong tay thì xem có cơ hội nào tốt hơn mảnh đất 4 tỉ đồng hay không. Ngoài ra, NĐT phải xem nền đất có giá 4 tỉ đồng đắt hay rẻ… "Từ những phân tích cụ thể thì NĐT mới nên quyết định xuống tiền", TS Khương nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, NĐT thường mua BĐS theo cảm tính cá nhân, luôn nghĩ rằng mua BĐS năm nay, năm sau bán sẽ có lời. Nhưng, tình huống đặt ra, năm sau không bán được BĐS đó thì sao?, tình huống xấu nhất có thể xảy ra là bán không được BĐS. Đa số NĐT mua đều kì vọng, mua một BĐS 2 tỉ, 3 năm sau thành 4 tỉ. Nếu chỉ tăng được 3 tỉ thì NĐT có chấp nhận hay không…
Ông Khương cho rằng, điều quan trọng trong đầu tư BĐS là NĐT chấp nhận rủi ro như thế nào, thanh khoản BĐS ra sao. "Trong đầu tư có một số "gạch đầu dòng" mà NĐT cần lưu ý như: tính thanh khoản của BĐS, mua có lời ngay lập tức không, chấp nhận rủi ro đến đâu. NĐT mua BĐS có thể mua hôm nay bán ra không có lời liền nhưng phải bán được liền, cũng giống như vàng vậy, khi bí tiền, nửa đêm đem ra tiệm vàng là bán được ngay", ông Khương chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường hiện nay rất ít NĐT dùng đòn bẩy tài chính quá lớn để tham gia thị trường, nhất là các NĐT lướt sóng rủi ro sẽ cao.
"Lướt sóng có 2 dạng, người có sẵn tiền mặt, nếu lướt không được thì giữ lại tài sản vẫn còn đó, còn đối với NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính thì chẳng hạn căn hộ 4 tỉ mà có trong 1-2 tỉ thì cần cân nhắc rằng, nếu không thoát được tài sản thì vấn đề tài chính sẽ như thế nào, rủi ro rình rập là khá cao", TS Khương nhấn mạnh.
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ