Tôi tậu được nhà vì tư duy làm liều, không giống số đông

Ít tiền nhưng không sợ thành con nợ, cộng thêm một chút máu liều và nước đi khác biệt nên tôi đã mua được nhà. Nếu cứ tính toán thật an toàn thì có lẽ giờ tôi vẫn móc ví trả tiền thuê nhà hàng tháng.

 

Vừa là con nợ vừa tính kế đầu tư

Chia sẻ về câu chuyện mua nhà Sài Gòn của mình, anh Dương kể, không quan trọng là bạn vay ngân hàng bao nhiêu trong tổng giá trị căn nhà mà quan trọng là mức thu nhập, tính toán phương án trả nợ sau khi vay.

Anh Dương thuật lại, sau khi cưới nhau hồi đầu năm 2017, hai vợ chồng anh ở trong một căn nhà thuê tại TP.HCM với giá 5 triệu/tháng. Đến cuối năm, dồn hết tiền tiết kiệm, tiền thưởng Tết, tiền mừng cưới và bán vòng vàng, anh chị có trong tay 600 triệu đồng. Không dùng hết số tiền này, anh tính toán giữ lại 100 triệu đồng để tìm cách đầu tư sinh lời, sau đó vay ngân hàng thêm 800 triệu để mua một căn chung cư giá 1,3 tỷ đồng. Lãi suất vay ưu đãi năm đầu tiên là 7,5%, năm thứ 2 thả nổi theo lãi suất huy động cộng với biên độ dao động là 3,5%. Tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng không cao, chỉ khoảng 35 triệu nên sau khi vay, anh luôn đau đáu với câu hỏi “Làm sao để trong vài tháng, 100 triệu đồng này sẽ mang về cho mình 500 triệu đồng?”. Năm 2018, thấy đất nhiều khu vực ven TP.HCM tăng giá nên anh Dương quyết liều lĩnh đặt cọc mua một mảnh đất ở Bình Phước là quê của anh, sau đó sang tay thu lãi được 300 triệu đồng. Vậy là đến cuối năm 2018, sau khi gom các khoản tiền, anh Dương đã trả được một khoản đáng kể cả gốc và lãi. Khi đó, anh tính toán sang năm thứ hai, dù lãi suất có tăng lên 10-11% thì khoản nợ phải trả mỗi tháng cũng không quá nặng nề với hai vợ chồng.

“Vẫn có nhiều người ngăn tôi đừng vay quá nửa giá trị căn nhà nhưng vì thấy có người liều lĩnh mua nhà dù chỉ có 200 triệu trong tay nên tôi và vợ cũng mạnh dạn vay ngân hàng và liều mang tiền đầu tư để trả xong nợ nhanh nhất có thể. Cuối cùng mong ước của hai vợ chồng cũng thành hiện thực”, anh Dương nói.

Anh Dương là một trường hợp điển hình của các gia đình trẻ từ tỉnh lẻ đến các đô thị lớn làm việc, sau đó mua nhà và định cư luôn tại đây.

Hai vợ chồng anh Dương vay ngân hàng 800 triệu đồng để mua một căn hộ chung cư giá 1,3 tỷ. Ảnh minh họa

Vay tiền mua nhà rồi cho thuê trả nợ

May mắn hơn anh Dương, anh Minh (Hà Nội) được bố mẹ hỗ trợ để mua nhà. Cách của anh Minh cũng giống như nhiều người khác đã và đang áp dụng là vay ngân hàng mua nhà nhưng chưa dọn về ở ngay mà cho thuê lại để lấy tiền trả nợ. Với những người có thể ở tạm nhà bố mẹ hoặc mua một căn nhà rộng để cho thuê phòng trống, cơ hội mua nhà sẽ dễ hơn nhiều lần.

Vừa chuyển về nhà mới không lâu, anh Minh kể lại, anh làm kiểm toán xây dựng, công việc thường xuyên phải đi công tác tại các tỉnh, có khi một tháng chỉ ở nhà khoảng một tuần. Ba năm trước, anh vay ngân hàng 1,1 tỷ đồng để mua một căn hộ ở quận Nam Từ Liêm. Vay quá nửa giá trị căn hộ nên anh tính phương án cho thuê chính căn hộ này trong 3 năm với giá thuê 12 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng anh cùng với một cậu con trai ở nhà bố mẹ anh trong suốt thời gian đó đến đầu năm nay mới chuyển về nhà mới.

“Ở cùng bố mẹ thêm 3 năm, vợ tôi vừa được ông bà giúp đỡ đưa đón con đi học, đỡ đần việc nhà, vừa tiết kiệm được một khoản tiền để trả nợ ngân hàng. Hai vợ chồng cũng cài chế độ tiết kiệm tự động trong tài khoản, tiền về là ngắt ngọn trừ ngay. Đến giờ, dù chưa trả nợ hết nhưng số tiền lãi phải trả không còn nhiều do khoản vay tính theo dư nợ thực tế”, anh Minh nói.

Chấp nhận nợ nhiều để nhanh hết nợ

Cũng thành công nhờ khởi nguồn đầu tư đất chỉ với 130 triệu, sau một thương vụ thành công và dùng tiền để mua ô tô tải đi buôn bán ve chai, anh Phan Lộc đến nay cũng đã sở hữu được 2 căn hộ gần 2 tỷ đồng/căn. Anh Lộc bày tỏ, việc mua nhà thể hiện rất rõ tư duy về đồng tiền sinh lời. Tôi nhận thấy có thể chia thành 3 nhóm tâm lý khi mua nhà. Nhóm thứ nhất là vì sợ khoản nợ treo trên đầu nên không dám vay ngay mà vừa đi làm tích góp vừa tìm hiểu sản phẩm, sẵn sàng chấp nhận ở nhà thuê. Nhóm thứ hai là tự tin vào mức thu nhập, khả năng trả nợ của mình nên vay ngân hàng nhiều nhất có thể để có động lực “cày cuốc” trả nợ, song song với đó sẽ dùng một phần tiền vốn để đầu tư. Nhóm thứ ba là dùng toàn bộ tiền để đầu tư ngắn hạn trước, thu tiền về rồi mới mua nhà.

Anh Lộc nói: “Mỗi người có cách suy nghĩ riêng nhưng với tôi, khi mua những tài sản giá trị lớn như nhà, xe, tôi sẽ vay ngân hàng nhiều nhất có thể, liều ăn nhiều. Rủi ro sẽ đi với lợi nhuận cao, ngược lại, chấp nhận an toàn thì lợi nhuận thấp hoặc bằng không. Chẳng hạn mua nhà 1 tỷ đồng thì tôi sẽ vay 80% giá trị nhà, trả trước 20% bởi thay vì mất ngay 1 tỷ đồng, tôi sẽ chỉ bỏ ra 200 triệu, 800 triệu còn lại có thể mang về thêm nhiều lợi nhuận”.

Dù có nhiều trường hợp mua nhà thành công với số vốn ít nhưng để an toàn nhất, các chuyên gia tài chính vẫn khuyên người mua chỉ nên vay dưới 50% tổng giá trị căn nhà. Khi đó, các khoản chi tiêu sinh hoạt khác và phát sinh vẫn được đảm bảo. 

Khánh Trang