2020 là năm thị trường bất động sản chứng kiến sự xuất hiện đông đảo của nhóm nhà đầu tư F0 - những người chưa có kiến thức, kinh nghiệm đầu tư bất động sản nhưng có tiền nhàn rỗi muốn mua nhà đất đón cơ hội. Với dòng vốn từ 1-2 tỷ đồng, nhóm nhà đầu tư này nên mua vào loại bất động sản nào, ở đâu?
Nhà đầu tư F0 hay còn gọi là nhà đầu tư tay ngang, nhà đầu tư không chuyên, họ không có kiến thức, kinh nghiệm đầu tư bất động sản nhưng sẵn sàng tham gia thị trường khi có vốn nhàn rỗi hoặc muốn dịch chuyển dòng tiền từ các kênh đầu tư khác sang bất động sản.
Tại Việt Nam, bất động sản là một trong những kênh đầu tư thu hút nhiều nhà đầu tư F0. Dù kinh doanh, hoạt động ở lĩnh vực nào, chỉ cần có tiền nhàn rỗi là người dân đều muốn tìm mua nhà đất làm tài sản tích trữ hoặc bán lại khi giá lên.
Năm 2020, sự xuất hiện của Covid-19 tạo nên bối cảnh thị trường đặc biệt, thúc đẩy sự hình thành nhiều hơn của nhóm nhà đầu tư F0 trong lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, dịch bệnh khiến nhiều ngành nghề kinh doanh, nhiều lĩnh vực đặc biệt là du lịch, bán lẻ, ẩm thực... bị ảnh hưởng nên không ít nhà đầu tư chuyển sang mua bất động sản để bảo toàn vốn. Hơn nữa, thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy cơ hội phục hồi trong ngắn và trung hạn, nên các nhà đầu tư tay ngang đã và đang mua vào các bất động sản cắt lỗ, giảm giá để đón điểm rơi khi thị trường hồi phục.
Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng giám đốc BHS Group, sự xuất hiện của các nhà đầu tư F0 làm đa dạng thêm nguồn cầu, và cũng là chỉ báo cho thấy khả năng tăng giá bất động sản trong thời gian tới.
Bàn về loại sản phẩm đầu tư cho những nhà đầu tư tay ngang có dòng vốn từ 1-2 tỷ đồng, tại phiên thảo luận của Hội nghị Bất động sản Việt Nam (VRES 2020) tổ chức mới đây, các chuyên gia bất động sản đã hé lộ những kênh đầu tư rất hấp dẫn:
- Bất động sản nghỉ dưỡng vùng núi phía Bắc
Ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT TNS Holdings cho biết, với dòng vốn mỏng và muốn thu lời trong trung hạn, nhà đầu tư F0 có thể nhắm tới khu vực miền núi, những nơi bắt đầu xuất hiện các khu nghỉ dưỡng như Văn Chấn (Yên Bái), Tà Xùa (Sơn La) hay một số điểm du lịch ở Hà Giang… Với số tiền 1-2 tỷ, nhà đầu tư có thể mua một vài mảnh đất tại đây và chờ cơ hội tăng giá trong năm 2021.
- Bất động sản tại những tỉnh có khu công nghiệp
Ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất xanh Miền Bắc cho rằng, bất động sản tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên... những nơi đang hình thành thêm các khu công nghiệp là thị trường rất tiềm năng. Khi các KCN hình thành sẽ kéo theo nhiều dịch vụ phụ trợ, nhân công sẽ chuyển về sống, giúp bất động sản tăng giá. Nhà đầu tư nên chọn mua đất nền trong dự án, sổ đỏ để đảm bảo an toàn.
Ông Quyết cũng tiết lộ thêm một thị trường đang tăng trưởng rất tốt là Quảng Ninh. Những nhà đầu tư mua đất gần Cầu Cửa Lục 1, 2, 3 thời gian trước hiện đã có thể thu lời 30-40%, đây cũng là khu vực có pháp lý ổn, có sổ đỏ, hạ tầng đang phát triển rất tốt.
- Đất thổ cư ngoại thành Hà Nội
Ông Nguyễn Thành Dũng, Chủ tịch BĐS Thiên khôi cho rằng, với phân khúc thổ cư Hà Nội hiện đang có 2 khu vực rất tiềm năng là Thanh Trì, Long Biên. Hai khu vực này đang có hạ tầng phát triển và có kết nối tốt với một số tỉnh phía Bắc. Nguồn cầu tương lai của khu vực này sẽ là những người dân ngoại tỉnh, muốn sở hữu nhà đất Hà Nội. Nhóm khách hàng này chưa am hiểu thị trường nội đô, họ chỉ cần nhà đất có vị trí tiện di chuyển và giá vừa phải. Trong đó, Thanh Trì không quá xa trung tâm và vẫn còn dư địa tăng giá, nhất là với những mảnh đất của người dân có xu hướng mua đi bán lại.
Với những nhà đầu tư dám đối mặt với rủi ro pháp lý thì đất dự án cũng là một kênh đầu tư đáng để đánh đổi. Cụ thể, nhà đầu tư có thể mua vào khi pháp lý chưa hình thành ổn, sau khi có pháp lý, giá lên cao sẽ bán lại.
Do chưa am hiểu thị trường nên các nhà đầu tư F0 sẽ có xu hướng chọn các tài sản không quá xa trung tâm để dễ quản lý, sở hữu và có thể khai thác kinh doanh. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, bất động sản khu vực vùng ven và lân cận Hà Nội, TP.HCM đã xuất hiện nhiều đợt sốt nóng, do đó các nhà đầu tư F0 cần lưu ý:
- Thận trọng trước làn sóng gom đất ngoại ô
Tại nhiều khu vực vùng ven Hà Nội, trước nhu cầu đầu tư đất, người dân nhiều nơi đã chặt cây, phá vườn, san nền bán đất. Giá đất theo đó cũng tăng nóng, nhưng là hiện tượng bất bình thường. Bởi những nền đất này do người dân địa phương hình thành tự phát chứ không phải là các sản phẩm bất động sản hoàn thiện, đủ pháp lý. Nhà đầu tư cần xem xét nguyên nhân thực sự khiến giá đất tăng, nếu không có dự án, hạ tầng, quy hoạch đi kèm thì cơ hội tăng giá gần như không có.
- Tránh lao vào điểm sốt đất nền tại tỉnh
Đất nền các tỉnh lân cận Hà Nội, TP.HCM vẫn còn dư địa tăng giá nhưng không phải là miếng bánh dễ nuốt với nhà đầu tư tay ngang. Thường khi nhìn thấy cơ hội ở một địa phương nào đó, các nhà đầu cơ, nhà đầu tư chuyên nghiệp đã tham gia và rút đi rất nhanh. Do đó, nếu không chọn được thời điểm đón đầu, nhà đầu tư cần tránh thời điểm nóng sốt, vì khi đó, các nhà đầu tư đã rút lui, nếu mua dễ bị ôm hàng giá cao, khó bán.
- Tránh rơi vào vòng xoáy homestay
Xu hướng mua đất làm homestay, nhà vườn đang quay trở lại để đáp ứng thị hiếu du lịch Staycatione (du lịch tại chỗ) do tác động của dịch Covid-19. Nhờ xu hướng này, nhà đất ven đô lại được săn đón và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên nhà đầu tư F0 cần tỉnh táo để không rơi vào vòng xoáy thị trường, tránh mua vào ở những khu vực đang nóng sẽ khó bán lại.
Trường hợp muốn kinh doanh homestay, nhà đầu tư cần lưu ý hiệu suất cho thuê của mô hình này hiện đang khá thấp, và cần tính đến khả năng quản lý, vận hành. Ngoài ra, các homestay thường đòi hỏi dấu ấn cá nhân riêng của chủ sở hữu nên việc chuyển nhượng cũng không dễ dàng.
Ngọc Sương