Theo hội môi giới BĐS Việt Nam, hiện lực cầu ngoài ngành chuyển hướng vào thị trường BĐS Tp.HCM chiếm tỉ trọng khá lớn, ước đạt 30-40% tổng cầu đầu tư BĐS Tp.HCM. Trong đó có hiện tượng dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển mạnh sang khu vực phía Tây TP khi loạt hạ tầng giao thông được đầu tư đầu tư, xây dựng.
Theo báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, tổng căn hộ mới chào bán trên thị trường Tp.HCM trong năm 2020 đạt 21.312 sản phẩm, giao dịch được 13.043 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ trên 60%.
Điều đáng nói, tỉ lệ nguồn cung mới này đã sụt giảm mạnh so với năm 2018 và 2019. Theo đơn vị này, lượng cung căn hộ mới chào bán năm 2020 chỉ đạt 47,5% so với năm 2018, và 84,9% so với năm 2019. Trong đó, giá bán căn hộ tại Tp.HCM tăng mạnh trong vòng 2 năm qua. Cụ thể, giá căn hộ trung cấp tăng 26,5% so với năm 2019 và 50,75 so với năm 2019.
Quả thực, hiện tại trên thị trường căn hộ Tp.HCM rất hiếm dự án mới được chào bán. Mặc dù thời điểm cuối năm có cải thiện hơn so với đầu năm nhưng nhìn chung số dự án giới thiệu ra thị trường cũng chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Tại khu Đông chỉ một số dự án xuất hiện như Paris Hoàng Kim, The River Thủ Thiêm, Q2 Thảo Điền, Verosa Park. Tại khu Tây hiện chỉ có một số dự án mới "manh nha" ra thị trường như West Gate của Tập đoàn An Gia, dự án Picity Hight Park của Pigroup.
Theo báo cáo quý 4/2020 của JLL Việt Nam, mặc dù quý cuối năm có sự hồi phục nguồn cung nhưng nhìn chung căn hộ Tp.HCM vẫn khan hiếm rõ nét. Trong quý 4/2020 chỉ có 3.600 căn được chào bán, giảm 26% theo quý và tương đương với mức cùng kì năm ngoái. Con số này nâng tổng lượng mở bán cả năm 2020 lên 14.700 căn, giảm 50% so với cùng kì năm ngoái, chủ yếu do các vấn đề pháp lý còn tồn đọng.
Covid-19 không cản trở giao dịch căn hộ
Cũng theo JLL, nguồn cung khan hiếm, ngoài việc giá tăng thì tâm lý thị trường đã có dấu hiệu cải thiện rõ nét trở lai sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Quý cuối năm 2020 được xem là quý sôi động nhất trong năm 2020 với nhiều lễ mở bán được tổ chức, thu hút lượng lớn người mua nhà. Đây là kết quả của những thông tin tích cực và vắc -xin Covid-19 và những hạ tầng giao thông được được "mạnh tay" đầu tư tại các khu vực.
Còn theo hội môi giới BĐS Việt Nam, hiện lực cầu ngoài ngành chuyển hướng vào thị trường BĐS Tp.HCM chiếm tỉ trọng khá lớn, ước đạt 30-40% tổng cầu đầu tư BĐS Tp.HCM. Covid-19 dường như không làm ảnh hưởng đến việc đầu tư giao dịch BĐS tại Tp.HCM.
Hiện lực cầu của thị trường BĐS Tp.HCM tăng mạnh do sự dịch chuyển đầu tư từ các ngành kinh tế khác sang BĐS. Làn sóng cầu này hấp thụ rất nhanh những BĐS có giá tốt ở phân khúc đất nền, căn hộ trung cấp, căn hộ cao cấp có diện tích nhỏ. Những căn hộ cao cao cấp có giá trị cao (trên 70 triệu đồng/m2) thì hấp thụ yếu hơn.
Trong đó, thị trường căn hộ Tp.HCM cũng ghi nhận có hiện tượng dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển mạnh sang khu vực phía Tây khi loạt hạ tầng giao thông được đầu tư đầu tư, xây dựng. Nhiều người cho rằng, Tp.HCM đang tập trung quá nhiều cho khu Đông, trong khi khu Tây - phía bên kia thành phố đang bị "bỏ rơi". Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải như vậy.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, khu Tây đang được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng thời gian qua và không hề thua kém gì "người đàn anh" khu Đông.
Ông Châu cho rằng, nếu nghĩ rằng thành phố đang chỉ tập trung đầu tư cho khu Đông và bỏ quên khu Tây là cách hiểu không đúng. Bởi, nhiều hạ tầng giao thông lớn đã và đang được đầu tư xây dựng ở khu Tây và theo lộ trình 10 năm tới, Bình Chánh sẽ trở thành quận. Hiện khu Tây Tp.HCM ngày càng hoàn thiện nhờ sự hiện diện của các công trình giao thông trọng điểm như Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cầu vượt An Sương, các tuyến cao tốc "tỷ đô" Tp.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), Tp.HCM - Cần Thơ, tuyến Metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên), Metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn)…. Ngoài các tuyến metro, TP.HCM cũng chuẩn bị khởi công tuyến đường Vành đai 3, giúp giao thông khu Tây Sài Gòn kết nối với các quận nội thành, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thuận tiện hơn.
Theo các chuyên gia, nếu nói về mức tăng giá thì BĐS khu Đông là mức tăng tốt nhất tại Tp.HCM, nhưng nếu nói về mức giá hợp lý thì khu Tây có lợi thế. Gọi là mức giá hợp lý, bởi mức giá này tăng ổn định, đều và dựa vào nhu cầu thật của thị trường.
Theo dự báo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, nhu cầu về phân khúc căn hộ tại Hà Nội và Tp.HCM vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Phân khúc căn hộ trung cấp loại 2 phòng ngủ tiếp tục được giao dịch nhiều nhất. Dự báo năm 2021, đạt 90.000-100.000 sản phẩm căn hộ được giao dịch tại Tp.HCM và Hà Nội. Về giá, tại Tp.HCM trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có chiều hướng tăng. Các dự án BĐS được đầu tư chất lượng, tiện ích sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021, dự báo mức tăng đạt 5-10% so với năm 2020.
Phương Nga