Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, quy hoạch phân khu đô thị (theo số lượng đồ án và theo diện tích phủ kín quy hoạch) đến tháng 9/2020 đạt khoảng 85-86%. Hiện đang triển khai tổ chức lập đồ án, lấy ý kiến Bộ Xây dựng đối với các đồ án quy hoạch phân khu tại 2 đô thị vệ tinh là Xuân Mai và Phú Xuyên.
Bản Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 vừa được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt.
Chiều 24/9, Báo Hà Nội Mới, Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại” nhằm nhìn lại những kết quả của Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đối với sự phát triển của Thủ đô; rút ra những bài học kinh nghiệm, những mô hình hay; đồng thời kiến nghị, đề xuất những giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả mục tiêu này trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Trả lời câu hỏi của bạn đọc về công tác quy hoạch Thủ đô, ông Lã Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ Công nghiệp - Nông nghiệp nông thôn, Phó Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc II, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, Sở QHKT đã xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch của Sở gắn với các giải pháp cụ thể, như: Triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình 06-CTr/TU với thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và các Chương trình công tác khác của Thành ủy giai đoạn 2016-2020; xác định, xây dựng lộ trình có thứ tự ưu tiên và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch xây dựng (cụ thể cho từng quý, từng năm) giai đoạn 2016-2020…
Ông Lã Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ Công nghiệp - Nông nghiệp nông thôn, Phó Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc II, Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Về quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, khu vực đô thị (30%), tỉ lệ hoàn thành quy hoạch chung (QHC) và quy hoạch phân khu (QHPK) đô thị (theo số lượng đồ án và theo diện tích phủ kín quy hoạch) đến tháng 9-2020 đạt khoảng 85-86%, phê duyệt 5/5 đồ án quy hoạch chung đô thị vệ tinh (đạt 100%); phê duyệt 14/14 đồ án quy hoạch chung thị trấn (đạt 100%); phê duyệt 27/35 đồ án QHPK đô thị trung tâm (đạt 77%).
Còn 8 đồ án chưa được phê duyệt (6 đồ án QHPK nội đô lịch sử; 2 QHPK sông Hồng, sông Đuống); hoàn thành, phê duyệt 26/26 nhiệm vụ QHPK đô thị tại 5 đô thị vệ tinh. Hiện đang triển khai tổ chức lập đồ án, lấy ý kiến Bộ Xây dựng đối với các đồ án QHPK tại 2 đô thị vệ tinh (Xuân Mai, Phú Xuyên).
Khu vực nông thôn (70%), tỉ lệ hoàn thành QHC huyện và Điều chỉnh QHC xã nông thôn mới (theo số lượng đồ án và theo diện tích phủ kín quy hoạch) đạt 93-96%, như sau: phê duyệt 14/15 đồ án QHC huyện (đạt 93%); phê duyệt 330/341 đồ án rà soát, điều chỉnh QHC xây dựng xã nông thôn mới (đạt 97%). Hiện UBND các huyện, thị xã đang triển khai lập, thẩm định, phê duyệt 373 đồ án QHCT trung tâm xã, 354 QHCT điểm dân cư nông thôn.
Cùng với đó, đã phê duyệt 5/8 quy hoạch chuyên ngành là cấp nước; thoát nước; nghĩa trang; xử lý chất thải rắn; giao thông vận tải. Đồng thời, bổ sung 3/8 quy hoạch, gồm: Thông tin liên lạc; chiếu sáng đô thị; cao độ nền.
Về quy hoạch chi tiết và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, Sở đã phê duyệt 4 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc quan trọng gồm: Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố Hà Nội; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố cổ; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố cũ; Quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng khu vực nội đô (năm 2016). Hiện Sở đang triển khai xây dựng 35 Quy chế (5 Quy chế quản lý tại khu vực đặc thù; 13 quy chế quản lý quận, thị xã; 14 quy chế quản lý thị trấn; 3 quy chế quản lý đô thị vệ tinh).
“Chúng tôi cũng triển khai lập, thẩm định quy hoạch chi tiết (QHCT) đối với 29 khu chung cư cũ, phối hợp đề xuất về cơ chế, chính sách để thực hiện. Đồng thời triển khai lập, thẩm định, phê duyệt 5 QHCT khu nhà ở xã hội tập trung (với tổng diện tích khoảng 270ha), khi hoàn thành dự kiến cung cấp thêm 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; phê duyệt khoảng 216 đồ án QHCT 1/500 khác”, ông Sơn cho hay.
Hạ ngầm điện, cáp viễn thông 100% các khu đô thị mới
Về việc Hà Nội đang đồng loạt hạ ngầm trên các tuyến phố, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin: Trong 5 năm 2016-2020, thành phố đã tích cực chỉnh trang bộ mặt đô thị; đã từng bước ngầm hóa các đường dây đi nổi, kết hợp chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị; đã thực hiện hạ ngầm tại 100% các khu đô thị mới phát triển, tuyến đường mới mở; hoàn thành hạ ngầm các đường dây đi nổi tại 336 tuyến đường, tuyến phố (giai đoạn trước năm 2016 hạ ngầm được 190 tuyến).
Trong quá trình triển khai thực hiện, còn một số tồn tại cần khắc phục như việc phối hợp giữa các nhà thầu trong quá trình triển khai một số đoạn chưa đồng bộ; một số nhà thầu không bảo đảm vệ sinh môi trường khi hoàn trả mặt bằng.
“Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp, đôn đốc khắc phục những tồn tại này; đồng thời phối hợp với liên ngành rà soát việc hạ ngầm kết hợp chỉnh trang các tuyến phố, bảo đảm cảnh quan đô thị, giải quyết các khó khăn vướng mắc; yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Thắng khẳng định.
Trần Hoàng
Theo tienphong.vn