Giải pháp nào cho quy hoạch đô thị Bình Dương

Bình Dương là đô thị trẻ với tốc độ đô thị hóa khá cao chiếm 82% năm 2020 và có vai trò kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh… Do đó, công tác quản lý phát triển đô thị cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, xuyên suốt thông qua việc lập và phê duyệt các chương trình phát triển đô thị để quản lý phát triển đô thị đúng định hướng và là cơ sở để thực hiện điều chỉnh khắc phục những hạn chế yếu kém.

Tại hội thảo “Quy hoạch đô thị tỉnh Bình Dương – Thực trạng, giải pháp và định hướng phát triển”, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm trong và ngoài nước về quản lý và phát triển đô thị để Bình Dương học hỏi và lựa chọn xây dựng kế hoạch cho phù hợp.

 

Đô thị Thủ Dầu Một hiện hữu đang được cải tạo chỉnh trang ngày càng hiện đại hơn.

Thực trạng công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại Bình Dương

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến công tác quy hoạch nhằm quản lý và phát triển đô thị đúng định hướng và là cơ sở để tổ chức thực hiện theo các quy hoạch được duyệt, rà soát điều chỉnh kịp thời những hạn chế trong quá trình xây dựng quy hoạch và phát triển của đô thị trên địa bàn. Hiện nay, các đô thị đang trong quá trình rà soát, điều chỉnh theo lộ trình, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Trước đó, các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của Bình Dương cũng được phủ kín quy hoạch, đạt tỷ lệ 100%. Để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn theo hình thức tiến hành song song các quy hoạch, các huyện thị thành phố đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Qua đó cho thấy công tác lập, phê duyệt và rà soát điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành như: xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, chất thải rắn, nghĩa trang... trên địa bàn tỉnh được địa phương quan tâm thực hiện.

Bên cạnh quy hoạch thì việc quản lý phát triển đô thị cũng được Bình Dương quan tâm chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Điều này được thể hiện qua việc tập trung lập và phê duyệt các Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Bình Dương và các Chương trình phát triển cho các các đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên.

Giải pháp phát triển đô thị Bình Dương thời gian tới

Định hướng phát triển đô thị trong thời gian tới của Bình Dương là gắn với Đề án thành phố thông minh Bình Dương. Trên cơ sở Chương trình phát triển đô thị quốc gia được điều chỉnh trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện rà soát Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và các Chương trình phát triển các đô thị trực thuộc phù hợp với giai đoạn mới, làm cơ sở tổ chức phát triển đô thị theo đúng định hướng của tỉnh.

TS. Trương Trung Kiên – Chủ tịch UBND quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ kinh nghiệm quy hoạch đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh trong nguyên tắc phát triển khu nội thành cũ là: Cải tạo, chỉnh trang hiện trạng, xác định về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng phù hợp với từng khu chức năng, từng khu vực. Trên cơ cở kết hợp giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa và các công trình kiến trúc có giá trị, tổ chức sắp xếp lại mạng lưới giao thông, hiện đại hóa cơ cở hạ tầng kỹ thuật đô thị, từng bước hạ ngầm các đường dây kỹ thuật (cáp điện, thông tin liên lạc) bố trí, sắp xếp vào trong hào kỹ thuật; xây dựng mạng lưới các công trình phúc lợi công cộng; giải tỏa các khu nhà lụp xụp trên kênh rạch và khu phố; di chuyển các xí nghiệp công nghiệp và các cơ cở gây ô nhiễm môi trường.

Đầu tư xây dựng một số khu đô thị vệ tinh hiện đại tạo động lực phát triển các huyện ngoại thành, có mô hình ở phù hợp với đặc thù nhiều sông nước, điều kiện địa hình, địa chất thủy văn, đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sống đô thị. Xác định quy mô, diện tích và bảo vệ các khu vực đất nông nghiệp không được chuyển đổi chức năng và quỹ đất dành cho hệ thống cây xanh, công viên của thành phố phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi, giải trí. Quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng các khu và cụm công nghiệp tập trung để bảo vệ môi trường.

“Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các chính sách vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, nhà đầu tư, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của thành phố. Đồng thời, tổ chức thực hiện việc lập các đồ án quy hoạch đô thị, đảm bảo tính khoa học, cập nhật, thẩm định, phê duyệt đúng thời hạn. Xây dựng kế hoạch phát triển đô thị và phân bổ hợp lý nguồn lực thực hiện khi phê duyệt các đồ án quy hoạch. Đảm bảo sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đô thị…”, TS. Trương Trung Kiên cũng đưa ra các giải pháp.

Còn theo TS. Oh Dongkun – Tổng Giám đốc Công ty Becamex Tokyu, để phát triển đô thị thì cần có sự liên kết của các dự án cốt lõi như giao thông, bất động sản và các dự án dịch vụ sinh hoạt. Không riêng gì phần cứng mà phát triển phần mềm một cách dài hạn trong phát triển thành phố. Tức là nâng cao giá trị bằng cách lấy ý tưởng “Đô thị” làm trọng, không phải một tòa nhà đơn độc, mà tư duy phát triển trên phạm vi khu vực. Đồng thời, tham gia phát triển đô thị mang tính liên tục (SDGs, Sustainnable) thông qua việc tư duy về sản phẩm từ quan điểm của khách hàng, chú trọng chăm sóc sau bán hàng, tham gia kiến tạo đô thị trong dài hạn.

Cao Cương

Nguồn: cafeland.vn