Đầu tư 6.619 tỷ đồng xây cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Ban Quản lý Dự án Thăng Long đã đề nghị Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1.

Dự án xây dựng cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 nằm trong dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Trong 1 năm gần đây, đây là lần thứ 2 đề xuất đầu tư tuyến cao tốc này được trình lên cấp có thẩm quyền.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú thuộc dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Ảnh minh họa

 

Theo phương án mới nhất, tổng chiều dài của tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là khoảng 59,6km. Điểm đầu dự án nằm tại nút giao với Quốc lộ 1 tại Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc xã Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối nằm tại Km59+594, giao cắt với QL20 tại Km69+400, thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. 

Dự án gồm 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, vận tốc khai thác 80km/h. Tổng mức đầu tư dự án là 6.619,234 tỷ đồng, tính cả lãi vay trong thời gian thi công.

Cũng theo đề xuất của Ban quản lý dự án Thăng Long, dự án đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT. Nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để làm dự án, thu phí sử dụng đường bộ để thu hồi vốn. Kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 1.300 tỷ đồng. Nhà đầu tư có thể hoàn vốn trong khoảng thời gian dưới 15,5 năm khai thác. 

Nếu chủ trương đầu tư được thông qua, từ quý 4/2021 - quý 1/2022 dự án sẽ chọn nhà đầu tư, đến quý 4/2022 sẽ khởi công và đến quý 1/2025 sẽ đưa vào khai thác.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú khi đưa vào khai thác sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội các địa phương mà dự án đi qua, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên...
 

Khánh Trang