Cầu Thủ Thiêm 4 là biểu tượng kết nối tương lai của quận 2 và quận 7

Cầu Thủ Thiêm 4 với nhiệm vụ kết nối quận 2 và quận 7, là một trong 55 công trình trọng điểm của TP.HCM trong kế hoạch hoàn thiện chỉnh trang đô thị.

Quận 2 và quận 7 đều là những khu vực có nhiều tòa chung cư cao cấp đang được xây dựng, tốc độ kinh tế cũng tăng đều, thu hút lượng lớn lao động trong nước và các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu. Tuy nhiên, cả 2 quận này đều chưa được kết nối giao thông thuận lợi với nhau và với các khu vực khác, phần nào kìm hãm sự phát triển tại khu vực.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tổng số vốn lên tới 5.250 tỷ đồng sắp được triển khai sẽ khắc phục những bất cập này, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội TP.HCM đi lên.

Vị trí cầu Thủ Thiêm 4

Cầu Thủ Thiêm 4 là cầu vượt sông Sài Gòn, có nhiệm vụ kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với quận 7. Công trình bắt đầu từ trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh (khoảng 200m về phía giao lộ trục đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Thị Thập), điểm cuối kết thúc tại trục đường Bắc Nam giao với tuyến R4 thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hình một phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4.

UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch – kiến trúc thành phố đề nghị đơn vị tư vấn lên phương án thiết kế kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4 được hội đồng tuyển chọn, trong đó nhấn mạnh về việc nghiên cứu hoàn chỉnh ý tưởng “Tre Việt Nam”. Theo đó, thiết kế kiến trúc cầu phải mang tính biểu tượng, độc đáo, tạo điểm nhấn cho quận 2 và quận 7. Ngoài ra, phương án thiết kế cần thể hiện rõ cấu trúc tre, tính khả thi cao, phù hợp với hình tượng kiến trúc, văn hóa của người Việt và không thể thiếu phương án chiếu sáng mỹ thuật đặc sắc.

 

Đơn vị đầu tư dự án tiết lộ, thiết kế có chi tiết cầu vòm thể hiện rõ kiến trúc cách điệu các đốt tre lắp ghép, trụ đèn chiếu sáng, lan can cầu cách điệu từ hình ảnh chiếc cầu tre thân thuộc. Ánh sáng thay đổi màu và cường độ theo cùng khung giờ, đảm bảo chiếu sáng nhịp dẫn hài hòa với cấu trúc tổng thể.

Cầu Thủ Thiêm 4 khi nào xây dựng?

Từ năm 2016, TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và lựa chọn chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP đầu tư phát triển xây dựng 168 - Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng 620 - Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận thực hiện dự án theo thẩm quyền được quy định của Luật Đấu thầu. Đổi lại, các nhà đầu tư sẽ được nhận quyền sử dụng 11 lô đất rộng 99.904m2 thuộc khu chức năng 3, 4 trong khu đô thị Thủ Thiêm và các vị trí khác.

Trong năm 2019, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về phương án thiết kế kiến trúc công trình của cầu Thủ Thiêm 4 và giao cho sở Quy hoạch – Kiến trúc tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế công trình. Đây chính là cơ sở để triển khai đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4. Trong phương án thiết kế phải kết hợp chủ trương cải tại đô thị khu vực hai bên cầu, hạn chế giải tỏa, di dời nhà dân và các công trình, hạ tầng kỹ thuật hiện hữu.

Tuy nhiên, do thủ tục pháp lý, thủ tục đầu tư dự án BT có sự thay đổi nên dự án đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 triển khai chậm và phải thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

TP.HCM cũng kiến nghị xây cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không chỉ 10m nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các cảng hoạt động trên sông Sài Gòn. Vì thế,cần thiết điều chỉnh quy hoạch cảng biển và di dời một số cảng. Theo đó, cảng Khánh Hội đã được di dời hoàn thiện, cảng Tân Thuận phải ngưng hoạt động và di dời đến cảng Hiệp Phước trong quý IV/2019 – I/2020. Ngay sau khi hoàn tất công tác di dời cảng, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ chính thức được thi công và đi vào hoạt động trong khoảng 2 năm sau đó.

Lợi ích của cầu Thủ Thiêm 4 sau khi hoàn thành

UBND TP.HCM cho rằng, việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 là cấp thiết nhằm giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua phía quận 7, quận 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh; giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô cũng như giảm tai nạn giao thông, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường liên quan đến hoạt động của các bến cảng ở quận 4 và quận 7.

Cầu Thủ Thiêm 4 còn có nhiệm vụ kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 4, quận 7 và khu trung tâm thành phố, thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển khu đô thị mới phía Nam và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cầu Thủ Thiêm 4 cũng là công trình góp phần hoàn thiện chỉnh trang đô thị, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển nhanh khu đô thị Thủ Thiêm, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Khi đi vào hoạt động, cầu Thủ Thiêm 4 còn góp phần tạo nên sức bật cho thị trường bất động sản Thủ Thiêm và các khu vực lân cận với nhiều dự án hưởng lợi như: Sala Đại Quang Minh, The Riverin Thủ Thiêm, Eco Green Saigon...