Thị trường BĐS Bình Dương có thực sự “bội thực” nguồn cung?

Theo phân tích của các chuyên gia tại tọa đàm "Xu hướng thị trường bất động sản sau Covid-19" diễn ra mới đây, TP.HCM từ lâu vẫn luôn là đầu tàu phát triển cho thị trường bất động sản phía Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, giá bất động sản tại khu vực này không ngừng tăng cao do nhu cầu nhà ở luôn vượt gấp nhiều lần nguồn cung.

 

 

Chưa kể, hầu như nguồn cung bị "bó chân" bởi sự siết chặt thủ tục pháp lý. Đồng thời, cũng chính vì giá tăng quá cao, nên hoạt động đầu tư bất động sản tại thị trường TP.HCM gặp rủi ro "chôn vốn" và vượt quá khả năng của nhiều nhà đầu tư có khả năng tài chính tầm trung.

Trước thực tế đó, các địa phương trong vùng tứ giác kinh tế phía Nam đã có sự phát triển hạ tầng rất mạnh, dẫn dắt thị trường bất động sản các khu vực như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trong đó, hai thị trường đang tập trung phát triển mạnh hàng loạt các dự án lớn phải kể đến là Đồng Nai và Bình Dương. Điển hình như trường hợp của tỉnh Bình Dương. Liên tục trong thời gian gần đây, Bình Dương trở thành điểm nóng thu hút các đại gia địa ốc phát triển dự án mới. Nhiều dự án khác cũng đang được các chủ đầu tư lên kế hoạch triển khai tại Bình Dương với nguồn cung được dự báo khoảng gần 20.000 căn hộ mới được tung ra thị trường từ nay đến hết năm 2020.

Một số nhà đầu tư cho rằng, với tình hình "tắt" nguồn cung nhà ở tại TP.HCM thì hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt ra hàng thời điểm cuối năm 2020 với mức giá chào bán khá cao sẽ tạo nên tình trạng "bội thực"! Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích lại cho rằng với chính sách quy hoạch mở rộng và phát triển đô thị vệ tinh của TP.HCM, cộng với mạng lưới giao thông liên kết vùng đang được đẩy mạnh, nhu cầu nhà ở của người dân sẽ tăng cao.

Dưới góc nhìn của giới đầu tư, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung tại TP.HCM khan hiếm, giá tăng cao, thì các đô thị vệ tinh TP.HCM sẽ là tâm điểm của thị trường bất động sản trong thời gian tới, bởi các địa phương này có lợi thế là có quỹ đất rộng và giá cả thấp hơn. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng khiến các khu vực này trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, người mua có nhu cầu ở.

Phân tích thêm về xu hướng này, GS-TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP.HCM cho biết, việc nhiều tập đoàn hướng về vùng vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, thậm chí Bình Phước,… là sự dịch chuyển mang tính tất yếu. "Nhiều doanh nghiệp BĐS có sẵn quỹ đất tốt lập tức phát triển dự án để mang sản phẩm mới ra thị trường khi cơ hội đến hậu dịch Covid-19. Mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược và hướng đi thị trường của riêng mình nên phân khúc nào cũng đều có tỷ lệ hấp thụ tốt của phân khúc đó, do đó khó xảy ra hiện trạng bội thực nguồn cung", vị này cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, Bình Dương là một trong những địa phương đã xây dựng được hệ thống hạ tầng tốt nhất mà hạt nhân trung tâm là thành phố mới Bình Dương. Hệ thống hạ tầng này không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân mà còn giúp thị trường bất động sản hưởng lợi.

Ngoài hàng loạt tuyến đường rộng từ 4 đến 10 làn xe, các tuyến giao thông huyết mạch giúp kết nối Bình Dương với TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh cũng đang dần hoàn thiện như quốc lộ 13, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, đường Vành đai 3, Vành đai 4,… Trong tương lai, chính quyền Bình Dương sẽ đầu tư thêm các tuyến metro và đường sắt đô thị nhằm gia tăng kết nối với TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, hàng loạt chủ đầu tư đang hưởng lợi trước thông tin tỉnh Bình Dương đã kiến nghị với Chính phủ sớm bố trí vốn thực hiện đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM – TP.Thủ Dầu Một – Chơn Thành; mở rộng quốc lộ 13 đoạn thuộc TP.HCM để tăng kết nối, lưu thông vùng.

Song hành cùng hệ thống hạ tầng, khá nhiều dự án quy mô lớn đang được các doanh nghiệp triển khai. Đáng chú ý là khu đô thị Tokyu Bình Dương quy mô 110 ha. Mới đây nhất, Tổng công ty Becamex IDC trình bày ý tưởng dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ Becamex City có quy mô hơn 23 ha.

Ngoài ra, còn một loạt dự án của tập đoàn Becamex và các doanh nghiệp tư nhân cũng đang triển khai với nhiều kỳ vọng. Qua tìm hiểu được biết dọc tuyến quốc lộ 13 – tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với Bình Dương, còn có một số dự án được phát triển với quy mô lớn đang tạo sức nóng cho thị trường. Đáng chú ý có dự án vừa giới thiệu ra thị trường vào cuối tháng 10 là Phức hợp thương mại và căn hộ cao cấp Astral City. Dự án được đầu tư bởi Phát Đạt, hợp tác đầu tư bởi tập đoàn Danh Khôi và DKRA Vietnam là tổng đại lý tiếp thị & phân phối.

Theo thông tin sơ bộ trên thị trường, Astral City có quy mô 8 toà tháp cao 40 tầng. Khi hoàn thành, sẽ cung ứng cho thị trường gần 5.000 căn hộ cao cấp. Tính đến thời điểm hiện tại, Astral City là dự án phức hợp và căn hộ có quy mô lớn nhất Bình Dương. Dự án toạ lạc trên mặt tiền Quốc lộ 13 thuộc TP Thuận An.

Hiện, Astral City đang được giới thiệu ra thị trường với chương trình ưu đãi thanh toán 30% cho đến khi nhận nhà. Trong đó, đợt đầu tiên khách hàng chỉ thanh toán 15% giá trị sản phẩm và 5% mỗi 6 tháng tiếp theo. 70% giá trị còn lại được ngân hàng VP Bank hỗ trợ tài chính với khoản vay trong vòng 25 năm, ân hạn gốc và tài trợ lãi trong vòng 24 tháng.

Không chỉ sôi động về nguồn cung mới, Bình Dương còn đạt kỷ lục về tỷ lệ hấp thụ căn hộ. Theo CBRE Việt Nam, với nguồn cung 8.289 căn hộ được các chủ đầu tư đưa ra thị trường trong 9 tháng đầu năm, có 8.009 căn được tiêu thụ, đạt tỷ lệ 97%. Đây được xem là tỷ lệ hấp thụ căn hộ ấn tượng trong khi tại TP. HCM là 82%, tại Hà Nội là 69%.

Theo đánh giá từ các công ty nghiên cứu thị trường, Bình Dương đang nở rộ loại hình BĐS cho thuê do mạng lưới KCN ngày càng dày, tỷ lệ thuê nhà tăng hơn 74% vào năm 2019 đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp cho thuê dành cho chuyên gia. Hiện Bình Dương có 48 cụm và KCN với tổng diện tích trên 10.000 ha với khoảng 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động.

Đáng chú ý, sự bùng nổ của bất động sản công nghiệp từ làn sóng các nhà đầu tư ồ ạt xây dựng nhà máy ở các đô thị trung tâm như VSIP 1,2, KCN Nam Tân Uyên, KCN Tân Đông Hiệp, KCN Sóng Thần đã tạo ra một lượng lớn việc làm, thu hút hơn 50.000 chuyên gia và kỹ sư cấp cao đến sinh sống và làm việc. Từ đây, hình thành nhu cầu nhà ở đang tăng mạnh. Do đó, thị trường này được dự báo sẽ có tốc độ hấp thụ khá tốt trong thời gian tới.

Lan Nhi

Theo: Nhịp sống kinh tế