Còn quá sớm để lo Bình Dương bội cung căn hộ?

Sự phát triển ồ ạt dự án căn hộ tại thị trường Bình Dương trong 2 năm qua đang dấy lên nhiều nghi ngại, liệu thị trường này có bị bội cung khi sức mua chủ yếu đến từ giới đầu tư?

Có thêm gần 40.000 căn hộ trong 3 năm

Thị trường căn hộ Bình Dương chính thức bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2019 khi mà TP.HCM siết triển khai dự án mới cùng thực trạng khan hiếm quỹ đất. Tính riêng trong năm 2019 Bình Dương bùng nổ hàng chục dự án trên địa phận Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một. Lượng cung căn hộ từ các dự án mới như Bcons Miền Đông, Bcons Garden, Charm City, Skyview, Eco Xuân Lái Thiêu, Stown Gateway, Happy One, Opal Boulevard… làm số lượng căn hộ triển khai tại Bình Dương vượt ngưỡng 12.000 căn, gấp 5 lần dòng sản phẩm nhà liền thổ và gấp 8 lần lượng cung căn hộ của toàn bộ năm 2018 cộng lại.

Năm 2020 dù thị trường chịu ảnh hưởng từ Covid-19 nhưng nguồn cung căn hộ Bình Dương tiếp tục tăng mạnh. Trong năm 2020, tỉnh này chiếm đến 35% nguồn cung căn hộ của khu vực phía Nam, chỉ sau TP.HCM với gần 20.000 căn hộ thuộc các dự án mới được chào bán. Đây là nguồn cung bùng nổ mạnh nhất của thị trường này từ trước đến nay. Loạt dự án tiêu biểu của năm 2020 phải kể đến như Astral City; Opal Central Park, New Galaxy, The Emerald Golf View, Parkview Thuận An, Anderson Park; LDG Sky, Bcons Green View, Bcons Bee, Bcons Plaza, Hồ Gươm Xanh…

Trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường Bình Dương bùng nổ các dự án chung cư mới và dẫn đầu nguồn cung căn hộ phía Nam.

Xu hướng này được nhận định sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2021, minh chứng rõ nhất là ngay trong giai đoạn đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch triển khai loạt dự án án tại hai thành phố Thuận An và Dĩ An như: Đất Xanh tung ra hơn 1.500 căn hộ Opal Skyline, Ngôi Sao Việt chào bán chính thức 344 căn hộ dự án Star Tower, Danh Việt Group có kế hoạch giới thiệu gần 900 căn hộ dự án Icon Plaza, Kim Oanh chuẩn bị chào bán Legacy Central quy mô gần 2.000 căn hộ, Đạt Phước triển khai dự án The Rivana với quy mô 1.023 căn hộ. Công ty Thuduc House cũng đầu tư dự án Aster Garden Tower với 1.656 căn hộ…

Nguồn cung nhà ở tại Bình Dương mà nhiều nhất là ở hai khu vực Dĩ An, Thuận An được nhận định sẽ bùng nổ mạnh mẽ nhất trong vòng 1 thập niên trở lại đây, có thể đạt ít nhất 10.000 căn. Nếu tính thêm tổng nguồn cung các dự án hiện hữu vẫn đang trong quá trình xây dựng, Bình Dương đang có gần 40.000 căn hộ. Nguyên nhân của xu hướng này là do chịu ảnh hưởng nhiều từ việc TP.HCM khan hiếm dự án, thiếu quỹ đất khiến nhiều doanh nghiệp phải đổ về thị trường tỉnh tìm kiếm cơ hội thay thế.

Bên cạnh đó, việc giá nhà TP.HCM tăng cao cũng khiến nhiều người mua có xu hướng dịch chuyển về các vùng giáp ranh để tìm kiếm cơ hội mua nhà gần Sài Gòn với giá mềm hơn. Ngoài ra làn sóng đón đầu sức nóng lên thành phố của Dĩ An, Thuận An cũng như liên kết vùng từ TP. Thủ Đức cũng khiến BĐS Bình Dương có thêm sức hút.

Bình Dương có hấp thụ hết nguồn cung ?

Xem xét ở khía cạnh khách quan về tiềm năng phát triển, Bình Dương đang có rất nhiều dư địa tăng trưởng cả về kinh tế và dân số cơ học. Theo tìm hiểu của, Bình Dương là thủ phủ công nghiệp phía Nam với 41 cụm, khu công nghiệp quy tụ hơn 50.000 lao động chuyên gia trong và ngoài nước cùng với 1 triệu lao động tay nghề cao. Mỗi năm nguồn nhân lực này dự kiến tăng từ 20 -25%. Trong 1 thập kỷ tới, tỷ lệ đô thị hóa tại Bình Dương được dự đoán sẽ tăng từ mức 1,9 triệu lên mức 2,7 triệu dân, kéo theo đó là nhu cầu nhà ở tại các đô thị rất lớn. Do đó, tiềm năng phát triển thị trường căn hộ tại Bình Dương vẫn còn rất lớn và phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững trong khoảng 5-8 năm tới.

Bên cạnh đó là tỉnh giáp ranh TP. Thủ Đức, được hoạch định là vùng tiếp nhận giãn dân từ TP.HCM, thị trường BĐS tại Bình Dương được dịp “ăn theo". Xu hướng dịch chuyển ra các đô thị vệ tinh TP.HCM, quỹ đất tại TP.HCM đang ngày càng khan hiếm, giá bán tăng “chóng mặt" vượt ngoài khả năng tài chính của đại đa số người dân... dần dần sẽ hình thành xu hướng dịch chuyển của người dân ra các đô thị vệ tinh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… nhằm tìm kiếm BĐS phù hợp với giá bán rẻ hơn. Vậy nên việc làn sóng người mua nhà TP.HCM đổ về đây săn BĐS là dễ hiểu.

Tuy nhiên việc nguồn cung nhà ở tăng nhanh và đột biến, lại phân bổ không đều đang khiến nhiều chuyên gia nghi ngại thị trường Bình Dương bị bội cung căn hộ khi nhu cầu ở thực không hấp thụ hết được nguồn hàng triển khai, nhất là trong bối cảnh giá căn hộ Bình Dương đang chào bán khá cao. Tìm hiểu từ Batdongsan.com.vn, giá bán trung bình căn hộ tại 3 thành phố của Bình Dương hiện vào khoảng từ 33-40 triệu/m2, đây là mức giá được nhìn nhận là vượt qua khả năng chi trả của đại bộ phận người dân Bình Dương, nơi chủ yếu tập trung nhiều lao động nhập cư và công nhân các KCN.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo một doanh nghiệp đang phân phối nhiều dự án tại Thuận An, dù tỷ lệ hấp thụ căn hộ của các dự án mở bán tại Bình Dương trong 2020 trung bình đạt trên 90%, nhưng không dưới 60% người mua căn hộ tại đây là nhà đầu tư tại TP.HCM và cả các tỉnh lân cận. Nhu cầu mua chắc chắn không dành cho việc ở thực hay cho thuê mà là sang nhượng lại khi được giá.

Thực tế, đây không phải lần đầu Bình Dương gặp tình trạng người mua thực ít, dân đầu tư nhiều. Bình Dương đã từng có lịch sử về sự phát triển không tương xứng với nhu cầu thực. Trước đây nhiều dự án BĐS vùng ven của Bình Dương ghi nhận sức mua tốt nhưng chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ đến từ TP.HCM mua đầu tư “lướt sóng”, không có mấy người dân địa phương vào mua ở. Điều này làm phát sinh thực trạng dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng vắng bóng người sinh sống. Cảnh tượng vắng vẻ của nhiều dự án BĐS tại thị trường này là bài học xương máu với nhiều nhà đầu tư. Ngoài ra giá nhà đất ở Bình Dương đang khá cao, trong khi với thu nhập của công nhân, người lao động nhập cư thì mức giá đó chắc chắn ngoài tầm tay. Nếu chỉ hướng về đối tượng giới chuyên gia, lao động kỹ thuật tay nghề cao (vốn vẫn chuộng thuê nhà ở tại TP.HCM hơn là về Bình Dương sinh sống), câu chuyện dư cung, thiếu thanh khoản thực là điều có thể xuất hiện tại thị trường này.

Phương Uyên