Trụ sở, nhà, đất công đã được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm hơn

(LG) - Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 của Chính phủ cho thấy, công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích.

 

Năm 2020, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.427 cơ sở nhà, đất do 11 doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý. Ảnh minh họa

 

Theo đó, công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất công cũng đã tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ; công tác chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới một số trụ sở của các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Thống kê cho thấy, năm 2020, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.427 cơ sở nhà, đất (CSNĐ) và một phần diện tích của 01 CSNĐ do 11 doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý. Cụ thể, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản 09 cơ sở, Tập đoàn Hóa chất 14 cơ sở; Tập đoàn Điện lực 13 cơ sở; Tập đoàn Bưu chính viễn thông 114 cơ sở; Cty CP Cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại 01 cơ sở; TCty HUD 05 cơ sở và 01 phần CSNĐ; TCty Bưu điện Việt Nam 1.203 cơ sở; Ngân hàng NN&PTNT 31 cơ sở; Ngân hàng Chính sách xã hội 16 cơ sở; TCty viễn thông Mobifone 15 cơ sở; Cty TNHHMTV Khai thác và Chế biến đá An Giang 06 cơ sở.

Bộ Tài chính cũng đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý 1.503 CSNĐ, phê duyệt điều chỉnh phương án đối với 149 CSNĐ của khối đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ở Trung ương.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy

Đến cuối năm 2020, các bộ, cơ quan ở Trung ương đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý 37.468 CSNĐ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án đối với 28.182 CSNĐ. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục vận hành có hiệu quả, đã tổng hợp thông tin về tài sản công của 109.578 đơn vị, chiếm 99% các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công (chưa gồm tài sản tại các đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Việt Nam ở nước ngoài); đã cập nhật thông tin của 06 loại tài sản với tổng nguyên giá trên 6,14 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất công thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như: Nguồn gốc nhà, đất công được hình thành qua nhiều giai đoạn, việc lưu giữ hồ sơ không đầy đủ, chưa được quan tâm nên bị thất lạc, ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp nhà, đất; một số quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn; công tác triển khai phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt chậm, do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính tại địa phương.

Bên cạnh đó, công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của một số địa phương còn chậm, đạt dưới 50%, như: Ninh Thuận, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Kiên Giang, Quảng Trị, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa. Còn một số đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng tài sản công mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án (như: tại tỉnh Đồng Tháp còn 330 đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa có đề án được phê duyệt).

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Đề án quản lý, khai thác nhà ở công vụ, làm cơ sở sắp xếp lại, bố trí, sử dụng nhà công vụ cho các đối tượng đủ điều kiện sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu suất sử dụng nhà công vụ.

Theo đó, năm 2020, Bộ Xây dựng đã thông báo và tổ chức thu hồi 12 căn nhà công vụ của các đối tượng đã hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định. Tuy nhiên, còn một số tồn tại hạn chế, như: tính kết nối trong việc bố trí, sử dụng nhà công vụ còn thấp, một số trường hợp phải đi thuê nhà thương mại trong khi quỹ nhà công vụ còn có thể bố trí được; việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê.