Savills: Không có căn hộ mới nào giá dưới 34 triệu đồng/m2 trong Quý 3 tại Hà Nội

Các căn hộ có giá trên 1.500 USD/m2 (34,5 triệu đồng/m2) chiếm 66% nguồn cung mới của thành phố, tăng 32% theo năm. Trong khi đó, phân khúc hạng C ngày càng hiếm.

Không nằm ngoài các ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, thị trường bất động sản quý 3 cũng diễn biến khá ảm đạm. Tuy nhiên, đối với sản phẩm căn hộ, giá vẫn không ngừng tăng bất chấp đại dịch đã diễn ra 2 năm qua.

Theo báo cáo Tổng quan thị trường BĐS Hà Nội Quý 3/2021 vừa được Savills công bố, nguồn cung căn hộ mới đã có sự cải thiện, tăng 101% theo quý và 3% theo năm. Đã có 3.200 căn được giới thiệu ra thị trường sau khi 2 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 6 dự án mở bán.

Trong số đó, nguồn cung từ giai đoạn tiếp theo của các dự án đạt 2.500 căn hộ, tương đương 80% nguồn cung mới. Nguồn cung sơ cấp giảm -8% theo quý và -27% theo năm xuống 19.600 căn. Đáng chú ý, theo báo cáo, căn hộ hạng C không có nguồn cung mới trong quý. Thời gian qua, phân khúc hạng C, bình dân ngày càng khan hiếm và thậm chí mức giá 2 tỷ đồng/căn được dự báo sẽ sớm "tuyệt chủng".

Các căn hộ có giá trên 1.500 USD/m2 (34,5 triệu đồng/m2) chiếm 66% nguồn cung mới của thành phố, tăng 32% theo năm. Trong 9 tháng đầu năm 2021, nhu cầu cho các sản phẩm có giá từ 1.500 USD/m2 đến 2.000 USD/m2 tăng và chiếm 50% số lượng căn bán được. Hầu hết các dự án nằm ở các quận/huyện Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên và Gia Lâm.

Các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Cầu Giấy, tập trung chủ yếu các dự án Hạng A, có giá chào bán cao nhất trên 3.000 USD/m2 (69 triệu đồng/m2). Theo sau là quận Đống Đa và Tây Hồ với mức giá biến động từ 2.000 USD/m2 đến 3.000 USD/m2. Các quận/huyện khác với chủ yếu các dự án Hạng C có mức giá dưới 1.500 USD/m2.

Savills cho biết, nguồn cung thấp, chất lượng phát triển cải thiện, cơ sở hạ tầng nâng cấp và giá thép tăng gần đây là nguyên nhân dẫn đến giá bán căn hộ tăng. Tuy nhiên, số lượng căn bán được trong Quý 3 khoảng 2.400 giảm -50% theo quý do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong 5 năm qua, khu vực phía Tây duy trì nguồn cung sơ cấp lớn nhất. Từ Liêm và Cầu Giấy chiếm 44% nguồn cung sơ cấp. 96% nguồn cung của khu vực phía Tây là căn hộ Hạng B. Sự phát triển cơ sở hạ tầng như đường vành đai 3, số 3,5 và tuyến đường sắt đô thị số 3, sự phát triển đa dạng và cải thiện chất lượng là những động lực chính thúc đẩy sự bùng nổ của khu vực phía Tây.

Trong khi đó, giá sơ cấp tại quận Từ Liêm đã tăng 10% mỗi năm kể từ năm 2017; giá sơ cấp ở quận Cầu Giấy đã tăng 17% mỗi năm.

 

Savills dự báo khu vực phía Tây sẽ vẫn tiếp tục dẫn đầu nguồn cung tương lai với 26.300 căn từ 29 dự án, chiếm 29% nguồn cung tương lai. 81% nguồn cung sẽ là căn hộ Hạng B, tiếp theo là căn hộ Hạng A với 16%.

Về triển vọng tương lai, trong Qúy 4/2021, 11 dự án mới và những giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ cung cấp khoảng 7.900 căn. 87% nguồn cung tương lai là căn hộ hạng B và các quận/huyện Từ Liêm, Gia Lâm và Hoàng Mai với tổng số 81% thị phần.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các đô thị ngoài trung tâm được cho là sẽ tiếp diễn. Mặc dù xu hướng làm việc tại nhà sau Covid có thể là một yếu tố góp phần, nhưng thực tế là người mua ngày càng quan tâm về giá.

Cùng với sự mở rộng đô thị của Hà Nội, nguồn cung đã mở rộng. Năm 2017, các huyện Hoài Đức và Thanh Trì cung cấp 6% nguồn cung. Năm 2021, bốn huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh cung cấp 30%.

Hà Nội dự kiến quy hoạch năm huyện ngoại thành Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, và Đan Phượng thành các quận nội thành vào năm 2025. Với quỹ đất lớn, các huyện này sẽ trở thành mục tiêu phát triển khu dân cư trọng điểm. Từ năm 2023 trở đi, các quận này sẽ chiếm 36% nguồn cung.

Nguồn cung mới hạn chế và hàng tồn kho giá cao khiến các chủ đầu tư chuyển hướng sang các tỉnh lân cận. Cơ sở hạ tầng được cải thiện đã thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh.