Theo HoREA, với người sử dụng nhà chung cư có hộ khẩu ghép (hộ ghép) phần lớn là có quan hệ huyết thống, hoặc quan hệ hôn nhân với chủ sở hữu nhà, và đang cư trú ổn định cùng với chủ sở hữu nhà, thì cần có chính sách tái định cư, giải quyết chỗ ở tạm thời khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Về giải quyết tái định cư khi phá dỡ chung cư cũ, HoREA cho rằng người sử dụng nhà là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng hợp pháp căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư thông qua các hình thức thuê, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý sử dụng hoặc sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, không phải tất cả người sử dụng nhà chung cư đều đương nhiên được bố trí tái định cư, hoặc giải quyết chỗ ở tạm thời.
Đối với người sử dụng nhà chung cư có hộ khẩu ghép (hộ ghép) phần lớn là do có quan hệ huyết thống, hoặc quan hệ hôn nhân với chủ sở hữu nhà, và đang cư trú ổn định cùng chủ sở hữu nhà thì cần phải có chính sách tái định cư, giải quyết chỗ ở tạm thời khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Trong khi đó, dự thảo Nghị định lại không quy định cơ chế chính sách cho phép chủ sở hữu căn hộ cũ có “hộ ghép” được mua thêm căn hộ tái định cư, thì sẽ bất cập khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, do trên thực tế nhiều căn hộ cũ “nở nồi” có thêm các hộ ghép.
Nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách để “tách hộ” tràn lan, HoREA kiến nghị, quy định thêm trường hợp căn hộ nhà chung cư có hộ ghép.
Trường hợp này được chốt tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì chủ sở hữu nhà này chỉ được mua thêm 1 căn hộ tái định cư. Giá bán trong trường hợp có hộ ghép được tính theo chi phí đầu tư xây dựng phân bổ trên 1m2 sàn xây dựng nhà chung cư tái định cư, cộng với 10% lợi nhuận định mức theo quy định.
Ngoài ra, để phù hợp với thực tế, HoREA cho rằng, khái niệm “tái định cư tại chỗ” nên hiểu là được tái định cư trên địa bàn cấp huyện, nơi có nhà chung cư đó, thay vì được tái định cư tại địa điểm nhà chung cư cũ. Cách hiểu này vừa phù hợp với quy định tại luật Nhà ở 2014, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương.
Một điểm nữa cần lưu ý là phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần tính đến “lợi thế vị trí” của căn hộ, như căn hộ tầng trệt (có lợi thế về kinh doanh, đi lại, an toàn phòng cháy chữa cháy) hoặc căn hộ góc, hoặc căn hộ lầu một, hoặc lầu hai so với các căn hộ tầng cao hơn.
Hiện Bộ Xây dựng đang chủ trì lấy ý kiến nhiều cơ quan, doanh nghiệp về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015/NÐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Ðây là động thái đang được nhiều nhà đầu tư và người dân đặt nhiều kỳ vọng trong việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ…
Tiến độ cải tạo chung cư cũ đang giậm chân tại chỗ trong hàng chục năm qua. Đến nay mới chỉ có 1% trong tổng số 2.500 chung cư cũ, hư hỏng trên cả nước được cải tạo, xây dựng lại.