Hàn Quốc, Đài Loan áp thuế thật nặng để chống đầu cơ BĐS, chuyên gia Savills khuyến nghị: Việt Nam cũng nên dùng công cụ thuế, thậm chí nên đánh thuế hằng năm!

Theo chuyên gia Savills, bên cạnh công cụ thuế, Việt Nam cần giải quyết được 2 vấn đề nhức nhối gây nên tình trạng sốt đất hiện nay.

Từ đầu năm 2021 đến nay, sốt đất khắp Bắc vào Nam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới như Hàn Quốc, Đài Loan,... cũng “đau đầu” vì tình trạng đầu cơ bất động sản.

Để ngăn chặn đầu cơ, Hàn Quốc từng có quy định ép bán đất thừa, không có cá nhân nào được sở hữu quá 660m2 bất động sản. Nếu vượt con số này họ sẽ bị đánh thuế khoảng 7-11% tính trên giá thị trường của khoảng đất dư ra đó hàng năm cho đến khi chịu bán lại mới thôi. Đồng thời, Chính phủ nước này cũng tạo áp lực lên các quan chức, buộc họ bán bớt bất động sản thứ 2 nếu có của họ ở thủ đô Seoul. Ngoài ra, Hàn Quốc còn treo thưởng 900.000 USD khi người dân tố cáo hành vi đầu cơ.

Còn Đài Loan mới đây cũng thông qua luật thuế bất động sản mới nhằm chống đầu cơ nhà đất, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Cụ thể, luật mới đánh thuế 45% lợi nhuận của bất kỳ giao dịch bất động sản nào mới sở hữu không quá 2 năm và 35% cho những khu nhà đất sở hữu không quá 5 năm. Con số này sẽ là 20% nếu thời hạn sở hữu quá 5 năm.

Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đã đề xuất biện pháp mạnh tay để “chặn đứng” sốt đất như đánh thuế cao, siết tín dụng, hình sự hóa hành vi “thổi giá”. Trong khi đó, các nhà quản lý cũng đã có những hành động bước đầu để ngăn chặn sự bùng nổ của sốt đất ảo.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định, trong điều kiện phát triển kinh tế hiện nay, những biện pháp mang tính chất “phanh gấp” sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Chưa kể, các biện pháp này không chỉ tác động đến thị trường bất động sản, mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Do đó, cần thiết phải có "bàn tay hữu hình" can thiệp nhưng chỉ nên ở cấp độ tự cảnh báo hoặc thực hiện từng bước.

Còn theo bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc Bộ phận Định giá, Savills Hà Nội, có 2 vấn đề lớn đang dẫn đến tình trạng sốt đất tại Việt Nam.

"Thứ nhất, hiện nay những người môi giới trên thị trường hầu hết đều không thông qua việc đào tạo, chứng chỉ nào, dẫn đến không trách nhiệm về đạo đức đối với hành vi của mình. Nhiều môi giới còn gom đất để mua lại, hoặc dùng lời nói để đẩy giá, làm ảnh hưởng đến mức giá thật trên thị trường.

Thứ hai, hiện chúng ta chưa có cơ sở nào hay cơ quan nào ghi nhận giá giao dịch thực diễn ra trên thị trường, trong khi đó là những thông tin rất xác thực của thị trường. Tuy các cơ quan công chứng vẫn ghi nhận giá mua bán nhưng nó không phản ánh được giá giao dịch thực giữa người mua và người bán.

Do đó, Nhà nước cần có chế tài hoặc kiểm soát chặt chẽ hơn thì mới giúp thị trường trở nên công khai, minh bạch. Khi trên thế giới có thể làm được điều đó thì tôi nghĩ Việt Nam cũng có thể làm được, nếu có khung pháp lý và chế tài tốt”.

Nói về thuế - công cụ quản lý, chống đầu cơ bất động sản được nhiều quốc gia áp dụng, bà Vân tin rằng đây là biện pháp chắc chắn nên sử dụng.

Bà cho biết, tại nước ngoài, người dân đóng thuế trên bất cứ căn nhà nào, bù lại, họ sẽ được hưởng những tiện ích như trường học, bệnh viện,… Còn ở nước ta, thuế đất rất thấp, chỉ hướng đến đánh thuế cho căn nhà thứ 2, thứ 3 chứ không đánh thuế cho căn nhà đầu tiên.

Khi thuế được tính theo giá trị căn nhà, nếu giá trị càng cao, những người gom miếng đất càng to thì càng chịu thuế nhiều. Như vậy sẽ hạn chế việc nhà đầu tư gom lô đất lớn, giữ mà không phát triển, khiến những người có nhu cầu thực mà nhưng không có sản phẩm để mua. Đồng thời, bà Vân cho rằng nên đánh thuế hằng năm, thay vì chỉ áp thuế sử dụng đất.

Hoàng Thùy