Cảnh báo chiêu thức giả mạo nhân viên ngân hàng/CIC: Không vay bỗng nhiên mắc nợ, nộp 5 triệu để xóa nợ xấu?

Những trường hợp không vay bỗng dưng mắc nợ xảy ra gần đây đã gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân.

Cuối năm 2020, một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội bất ngờ phát hiện có khoản nợ 53 triệu đồng, kỳ hạn 3 năm tại một công ty cho vay tài chính dù chưa từng làm hồ sơ vay vốn. Qua xác minh, khách hàng này đã bị các đối tượng lừa đảo giả mạo hồ sơ để đăng ký tài khoản vay, thực hiện qua một ứng dụng vay nhanh. Cụ thể, đối tượng đã làm giả chứng minh thư "mạo danh" khách hàng để qua mặt hệ thống và được duyệt khoản vay tự động.

Đến đầu tháng 3, trong thời gian làm thủ tục gia hạn thẻ tín dụng Visa, một người khác cũng bất ngờ được phía ngân hàng thông báo đang có một khoản nợ xấu tại công ty tài chính, được lưu giữ từ năm 2019 trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC). Đặc biệt, đây đã là khoản nợ xấu ở nhóm cao nhất (Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn). 

Những trường hợp trên không phải cá biệt. Theo số liệu từ CIC, từ 2015-2020, họ đã xử lý hơn 450 đơn thư khiếu nại, trong đó nợ xấu chiếm hơn 60%, chủ yếu do bị kẻ xấu làm giả chứng minh thư nhân dân để vay qua ứng dụng trên điện thoại. 

Lợi dụng tâm lý hoang mang, lo sợ khi dính nợ xấu của người dân, nhiều kẻ đã mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên tại Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) để cung cấp dịch vụ xóa nợ xấu.

Theo phóng sự được thực hiện bởi VTV, một phụ nữ cho biết đã chuyển 5 triệu đồng tiền phí xóa nợ xấu cho một người tự xưng là nhân viên ngân hàng, để được chấp nhận khoản vay 50 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, đối tượng "nhân viên ngân hàng" ấy đã biệt tăm, không thể liên lạc.

“Hắn nói là đã có 20 người được duyệt vay nhưng bây giờ họ không vay nữa, còn mình là người trong danh sách nợ xấu thì sẽ được thay thế vào các hồ sơ này”, người phụ nữ cho biết.

Nhận định về hiện tượng này, ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc CIC cho biết: “Kẻ gian thường nói là khách hàng đang bị phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng và nếu muốn xóa nợ xấu đó thì phải chuyển một khoản tiền. Nhưng thực tế là không bao giờ có chuyện đó”.

Ngoài ra, mới đây, CIC cũng phải phát đi cảnh báo về việc một số khách hàng cá nhân nhận được thông tin về dư nợ dưới danh nghĩa báo cáo của tổ chức này, cung cấp qua đường bưu điện và phải trả phí 350.000 đồng/báo cáo, kèm theo đó là phiếu đăng ký hạn mức tín dụng 10-30 triệu đồng.

Thông báo chỉ rõ: “Là cơ quan thông tin tín dụng công, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, CIC cung cấp hoàn toàn miễn phí các báo cáo tín dụng cho khách hàng vay là tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác thông tin tín dụng của bản thân….

Mọi hình thức cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng vay không qua Cổng kết nối khách hàng vay đều là bất hợp pháp và không đảm bảo về độ chính xác, trung thực, khách quan”.

Ngọc Diệp